Chuyện bi hài: Quốc ca bị tắt tiếng

Vụ ầm ĩ làm cộng đồng mạng phát sốt tuần vừa qua có lẽ là vụ tắt tiếng bài quốc ca Việt Nam trước trận đấu Việt Nam - Lào.
bong-da-viet-lao-1638849668120-1639217964.jpg
Minh họa

Không rõ các bạn trẻ thế nào chứ lứa chúng tôi, U70 từ xưa đến nay, lúc nào cũng xúc động rưng rưng khi nghe quốc ca Việt Nam. Trước việc quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng thì hầu như ai cũng bức xúc và bừng bừng nổi giận. Dân mạng đua nhau đi tìm lý do và quy ngay cho việc BH Media đã đánh gậy bản quyền gây ra sự cố trên.

Câu chuyện bản quyền quốc ca không mới. Năm 2015 cố nhạc sỹ Phó Đức Phương, giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã từng bị dư luận phản đối ầm ào và ném đá không thương tiếc khi đề xuất thu bản quyền ca khúc này mỗi khi biểu diễn. Sự việc sau đó cũng lắng dần không ai nhắc đến nữa nhưng không phải vì thế mà câu chuyện bản quyền quốc ca kết thúc. Trong lễ tang của đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng bí thư Lê Khả Phiêu chuyện này lặp lại và sự cố mất tiếng do bị “đánh gậy quyền tác giả” cũng đã xảy ra.

Những tưởng chuyện đã “quá tam ba bận” thì cơ quan có chức năng quản lý mà ở đây là Bộ Văn hóa phải xử lý dứt điểm, nhưng không lần mất tiếng quốc ca lần thứ tư này là “giọt nước tràn ly” đã làm dư luận bừng bừng phẫn nộ. Vì sao bài quốc ca đã được gia đình cố nhạc sỹ Văn Cao hiến tặng nhà nước, nhân dân, tức là nhà nước là chủ sỡ hữu mà Bộ Văn hóa là cơ quan được nhà nước giao nhiệm vụ lại không hề biết tài sản của mình đã bị kẻ khác chiếm đoạt

VTV đã lên án việc BH Media xác nhận sở hữu bản quyền ca khúc Tiến Quân Ca - Quốc ca do nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc. BH Media cho biết BH Media không nhận sở hữu bản quyền ca khúc "Tiến quân ca" mà được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác một bản ghi "Tiến quân ca" trên nền tảng số. Bản ghi này do Hồ Gươm Audio sản xuất.

Về việc khai thác bản ghi "Tiến quân ca" trên YouTube, BH Media cho biết khi Hồ Gươm Audio ủy quyền cho công ty này quản lý và khai thác trên YouTube, đơn vị này không hề bật nút kiếm tiền, quảng cáo để bảo đảm tính tôn nghiêm cho tác phẩm. Người dân cũng được nghe miễn phí tác phẩm này.  Tuy nhiên, nếu một cá nhân, tổ chức nào đó bỏ thời gian, công sức, kỹ thuật, tiền bạc ra làm một bản ghi "Tiến quân ca", theo Luật Sở hữu trí tuệ, cá nhân, tổ chức đó là nhà sản xuất, chủ sở hữu của bản ghi này (quyền liên quan). Bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi này đều phải xin phép chủ sở hữu. 

Về vấn đề này nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường chia sẻ: "Khi có bất kỳ bản ghi nào đó ra đời thì người chủ sở hữu sẽ đăng ký với công ty chủ của Facebook và YouTube rằng tôi đang sở hữu bài hát này và tôi muốn đăng ký content ID là một dãy số để tôi có thể dựa vào dãy số này dùng những thuật toán, tool để truy quét những sai phạm về vấn đề bản quyền".

Tuy nhiên chính sách này cũng nêu rõ: Bạn chỉ được tạo tài sản cho những mục mà bạn sở hữu quyền, chẳng hạn như hãng nhạc không được tạo tài sản Phần sở hữu trong bản sáng tác khi không có hợp đồng thích hợp và nhà xuất bản âm nhạc không được tạo tài sản Bản ghi âm thanh". Tiến Quân Ca chỉ có đơn vị duy nhất có thể sở hữu bản quyền ca khúc này đó là Chính phủ. Như vậy Audio Hồ Gươm dựa vào cái gì, đã xin phép Nhà nước chưa để coi mình là chủ bản âm thanh quốc ca?

Qua những phân tích ở trên cho thấy tuy BH Media không đúng nhưng cũng không thể trách họ được vì công dân tổ chức có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm. Nếu sau ngay các sự cố đầu tiên, Bộ Văn hóa - TT - DL sát sao quan tâm làm việc nghiêm túc, tạo ra danh sách những ca khúc thuộc về nhà nước mà các tổ chức cá nhân không được đăng ký bản quyền thì câu chuyện bi hài này đã không xảy ra.

Về việc phần Quốc ca bị tắt tiếng trên kênh YouTube của Next Sports, BH Media cũng đã nhanh chóng phủ nhận mình không liên quan. Theo đơn vị này, chính đơn vị tiếp sóng đã tự tắt tiếng Quốc ca để phòng xa, tránh bị mất doanh thu. Thật đáng buồn chỉ vì tiền mà Next Sports đã không màng đến thể diện quốc gia do trước đó, trong trận Việt Nam - Ả Rập Saudi diễn ra tối 16-11 tại Việt Nam, kênh YouTube của FPT (đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu này) đã không thể kiếm được tiền vì lý do trận đấu dùng bản ghi "Tiến quân ca" do hãng đĩa nước ngoài sản xuất, cụ thể là Hãng đĩa Marco Polo.

Điều hiển nhiên là lỗi thuộc về Bộ chủ quản. Trước sự việc này đã có rất nhiều biểu hiện rắc rối, không hay về bản quyền như đã nêu ở trên nhưng Bộ vẫn “bình chân như vại” không quan tâm xử lý dứt điểm để dây dưa kéo dài. Không những thế điều cực kỳ vô lý là một hãng đĩa hát nước ngoài là Marco Polo cũng tự do ghi âm quốc ca Việt Nam để kiếm tiền mà không xin phép ai cả.

Khi sự việc xảy ra thì Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL nêu ý kiến: Ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Bộ VH-TT-DL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca. Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật. Bộ VH-TT-DLcó quyền yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.

Bộ VH-TT-DL nói như thế là một chuyện nhưng thực hiện nó thế nào lại không hề đơn giản. Bộ nên nhớ rằng bây giờ là thời kỳ kỷ nguyên số không đơn giản như thời kỳ “không chấm một” đầu thế kỷ XX, chỉ cần ra cái mệnh lệnh hành chính là xong đâu. Các doanh nghiệp đã đăng ký hệ thống content ID của Youtube mà hệ thống này tự động nhận dạng nên nếu các đơn vị đã đăng ký không hủy đăng ký các tác phẩm ca nhạc với Youtube thì câu chuyện “đánh gậy bản quyền” sẽ lại tiếp diễn và quốc ca vẫn có thể mất tiếng như thường.

Tóm lại tuyên bố kiểu Bộ VH-TT-DL vừa qua là không khoa học, không phù hợp với xã hội văn minh  và không thể triệt tận gốc vấn đề. Bộ phải nghiên cứu tìm ra biện pháp căn cơ hiệu quả để giải quyết tận gốc của vấn đề, trước mắt yêu cầu các đơn vị cá nhân đã đăng ký bản quyền quốc ca phải hủy ngay, không để xảy ra chuyện quốc ca Việt Nam mất tiếng một cách bi hài trong các sự kiện quốc tế!./.

Nhà báo Đỗ Qúy Thích