Chương trình OCOP Hà Giang: Nâng tầm đặc sản vùng miền

Việc lựa chọn sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong tỉnh Hà Giang, sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường.
a-ha-giang-9678-1694661390.jpg
Chương trình OCOP Hà Giang giúp người dân phát triển và nâng tầm các đặc sản của vùng cao. 

Tận dụng thế mạnh về điều kiện khí hậu, tiềm năng du lịch và các sản phẩm chủ lực mang nét đặc trưng riêng, giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo, UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt Đề án Chương trình “mỗi xã một sản phẩm - OCOP" với mục tiêu đưa các đặc sản vùng miền lên một tầm mới.

Tập trung phát triển sản phẩm đặc trưng

Mặt dù mới triển khai, nhưng chương trình OCOP ở Hà Giang đang có hiệu ứng tích cực, khi đã có 27 chủ thể đăng ký tham gia với 37 sản phẩm, trong đó có 8 sản phẩm là ý tưởng, 13 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 2 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 14 sản phẩm đạt hạng 2 sao.

Nhận thức của cán bộ, người dân về việc phát triển sản phẩm được nâng lên, bộ máy triển khai chương trình OCOP từ tỉnh đến xã được hình thành và xác định, lựa chọn được sản phẩm, nhóm sản phẩm thế mạnh để nâng cấp, phát triển.

Ban chỉ đạo luôn linh hoạt trong phát triển sản phẩm có xã 2 đến 3 sản phẩm bởi họ có làng nghề, có truyền thống, có xã không có sản phẩm vì mới định cư. Song mục tiêu cao nhất là sản phẩm góp phần nâng cao đời sống của bà con.

Sản phẩm đặc trưng sẽ là thế mạnh để Hà Giang thực hiện thành công chương trình OCOP trong thời gian tới. Việc lựa chọn sản phẩm đặc trưng của địa phương sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường. Đồng thời, tạo đà để người dân vùng nông thôn tập trung phát triển và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm mà mình tạo ra…

Vì vậy, để đề án đi vào thực tiễn và có sức lan tỏa, từ năm 2018 Hà Giang đã thống nhất lấy huyện Quản Bạ làm thí điểm triển khai thực hiện và làm cơ sở nhân rộng ra toàn tỉnh.

uploadfile-000089428-1694661478.jpg
Cam Sành sản phẩm đặc hữu 3 huyện vùng thấp Hà Giang

Trong tổng thể kinh tế xã hội, phát triển các sản phẩm theo chương trình OCOP là một trong những mục tiêu lớn của địa phương, huyện xác định phải tận dụng lợi thế, tiềm năng thế mạnh của địa phương tạo ra việc làm, tạo ra sản phẩm giúp cho bà con có thu nhập tốt hơn từ những sản phẩm truyền thống. Nhằm từng bước đưa các sản phẩm tiếp cận với thị trường, đạt tiêu chuẩn. Quản Bạ đã tập trung triển khai thực hiện cấp mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, địa chỉ, hạn sử dụng cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Thông tin về sản phẩm đều được thể hiện rất rõ, khách hàng có thể kiểm tra được nguồn gốc xuất sứ để nhận diện sản phẩm.

Để hiện thực mục tiêu trên tỉnh đã có định hướng phát triển từng bước. Giai đoạn 2018 - 2020 sẽ tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề mang tính đặc trưng, riêng biệt, có lợi thế cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Giai đoạn 2020 - 2030 sẽ mở rộng ra tất cả sản phẩm truyền thống có tiềm năng sản xuất hàng hóa và du nhập thêm các sản phẩm mới. Từ khi triển khai chương trình OCOP thu nhập của người dân được nâng lên, hình thái tổ chức sản xuất đã có sự thay đổi, từ sản xuất nhỏ lẻ đã hình thành các tổ chức kinh tế như hợp tác xã, nhận thức của người nông dân đã có sự thay đổi, không tự cung tự cấp thuần túy mà đã chuyển dần sang sản xuất hàng hóa.

Có thể khẳng định, thông qua việc đánh giá, phân hạng, sản phẩm OCOP góp phần giúp các chủ thể kinh tế phát hiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn quy định, đáp ứng nhu cầu thị trường gắn với việc hình thành và phát triển các hình thức sản xuất nông thôn phù hợp, tạo điều kiện để phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Trong quá trình phát triển sản phẩm, Hà Giang đã xác định phát triển các sản phẩm OCOP có vai trò quan trọng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm OCOP sẽ phát huy và khai thác được các tiềm năng và thế mạnh của các địa phương trong quá trình phát triển các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm phi nông nghiệp.

Có thể kể đến một số sản phẩm OCOP chủ yếu của Hà Giang như thịt khô bò Vàng, rượu Tam giác mạch, mật ong Bạc hà, thịt lợn đen Lũng Pù huyện Mèo Vạc, chè Shan tuyết cổ thụ vùng cao, cam sành của 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên, gạo tẻ Già Dui huyện Xín Mần, gạo Khẩu Mang huyện Đồng Văn, ngô nếp núi đá huyện Yên Minh,... Đây cũng là các sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc thù của tỉnh, trong đó có 4 sản phẩm đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý gồm cam sành, chè Shan tuyết, bò vàng và mật ong Bạc Hà.

Hà Giang hiện đang có một số sản phẩm về dược liệu, chè đáp ứng được các tiêu chuẩn về sao cấp tỉnh. Giai đoạn tới Hà Giang sẽ kỳ vọng làm sao có những sản phẩm được gắn sao cấp trung ương và phấn đấu thêm 5 sản phẩm gắn sao cấp tỉnh để đảm bảo đúng tinh thần nghị quyết tỉnh đã đề ra. Mục tiêu đến năm 2030, Hà Giang phấn đấu 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền.

Nguyễn Dịu