Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững…

Chuyển đôi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cũng là giải pháp trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025.

Đẩy mạnh Chuyển đổi số trong xây dựng NTM

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu xây dựng NTM đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so năm 2020. Cùng với đó, để phù hợp hơn với giai đoạn mới, bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 đã có chỉnh sửa, bổ sung. Trong đó, cụ thể đối với những xã nông thôn mới cần đáp ứng 19 tiêu chí, 57 chỉ tiêu (tăng 8 chỉ tiêu so 2016-2020), điều chỉnh nội hàm, tên, nội dung của 15 tiêu chí. Đối với những xã nông thôn mới nâng cao sẽ có 19 tiêu chí, 75 chỉ tiêu (tăng 18 chỉ tiêu so 2016-2020), nâng cao chất lượng 35 chỉ tiêu, bổ sung 34 chỉ tiêu mới...

i-1679273173.jpg
Ảnh minh họa

Theo rà soát của văn phòng điều phối NTM Trung ương, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai thực hiện trên địa bàn 8.227 xã (bao gồm cả 1.458 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo), 659 đơn vị cấp huyện (bao gồm cả 74 huyện nghèo thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo các quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025).

Kết quả, tính đến tháng 7/2022, cả nước đã có trên 5,8 triệu xã (70,7%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tăng 2,4% so với cuối năm 2021; trong đó, có 803 xã đạt NTM nâng cao, tăng 300 xã so cuối năm 2021 và 94 xã đạt NTM kiểu mẫu, tăng 51 xã; có 254 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt NTM; 18 tỉnh có 100% số xã đạt NTM; trong đó có 5 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng NTM.

Theo đánh giá, Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, hiệu quả. Tuy nhiên, kết quả đạt chuẩn NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn. Cụ thể như: Đồng bằng sông Hồng đạt 99,8%, Đông Nam Bộ 91,3%, trong khi đó miền núi phía bắc mới đạt 44,1%, Tây Nguyên 57,6%. Do đó, chuyển đổi số trong xây dựng NTM được coi là bước tiến quan trọng để nâng cao các tiêu chí một cách bền vững tạo nền tảng cho xây dựng NTM thông minh...

Việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cũng như thực hiện chủ trương đưa chuyển đổi số vào nông nghiệp nói chung và vào xây dựng NTM nói riêng đã được Chính phủ thông qua và thể hiện tại nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp thời gian qua. Trong đó, ngày 02/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021- 2025. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là giải pháp thiết thực trong xây dựng NTM, đáp ứng nhu cầu và xu hướng phát triển chung của đất nước.

Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 (Chương trình) có mục tiêu tổng quát nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới, nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh. Chương trình triển khai với 3 trụ cột chính: Phát triển chính quyền số ở nông thôn; Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn và Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

Một số mục tiêu cụ thể của chương trình:

Về phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới: Chương trình phấn đấu đến năm 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Ít nhất 97% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của Tiêu chí số 15 về Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao.

Chương trình phấn đấu có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; 25% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của Tiêu chí số 6 về Kinh tế, 25% đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.

Về thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn: Chương trình cũng hướng đến tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.

Góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, Chương trình đề ra mục tiêu có ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Về xã hội số trong xây dựng nông thôn mới: Chương trình phấn đấu có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.

Bên cạnh đó, Chương trình phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 01 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…), làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 - 2030.

Chương trình được triển khai ở khu vực nông thôn của cả nước (bao gồm cả các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện nghèo) đến hết năm 2025. Đối tượng thụ hưởng của Chương trình là người dân, cộng đồng dân cư, các tổ chức kinh tế hợp tác, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn.

Chương trình nêu rõ việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững... cần đảm bảo trên cơ sở kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện kết quả các chương trình, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới phải phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt.

Giải pháp thực hiện chương trình

Để đạt được mục tiêu đề ra cũng như nâng cao hiệu quả xây dựng Nông thôn mới, một số giải pháp trong thực hiện Chương trình được đề ra như sau:

Đào tạo và nâng cao năng lực về chuyển đổi số: Biên soạn chương trình, tài liệu tập huấn về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các tài liệu hướng dẫn áp dụng chuyển đổi số; Tổ chức các hội nghị, các đợt tập huấn về kiến thức chuyển đổi số, khả năng tiếp cận thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã) và người dân, cộng đồng ở nông thôn; Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn.

Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách: Rà soát các nội dung, định mức hỗ trợ của Nhà nước về chuyển đổi số để đề xuất áp dụng trong xây dựng nông thôn mới thông minh; chính sách khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số về các lĩnh vực (kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch,…) đầu tư vào khu vực nông thôn. Xây dựng kiến trúc, vận hành và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu số về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; ban hành quy chế, quy trình vận hành hệ thống phần mềm đánh giá, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ trung ương, cấp tỉnh, huyện, xã. Nghiên cứu, đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 - 2030.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và dữ liệu số: Đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hạ tầng và kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn/bản (hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao; hạ tầng mạng di động 4G/5G; hạ tầng kết nối internet, hạ tầng kết nối IoT,…), nâng cao chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân; hạ tầng công nghệ để phát triển hệ thống thông tin điện tử trên các lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm cung cấp cho mỗi hộ dân nông thôn có ít nhất một điện thoại thông minh theo hình thức xã hội hóa. Xây dựng phương án tổng thể hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng quản lý, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xây dựng dữ liệu số trong xây dựng nông thôn mới.

Triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới: Xây dựng thí điểm các mô hình: xã/ thôn nông thôn mới thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội ở các địa phương (quản lý quy hoạch xây dựng, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh trật tự, du lịch nông thôn…); mô hình chỉ đạo điểm của trung ương về xây dựng xã nông thôn mới thông minh theo danh sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mô hình xã thương mại điện tử cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực của địa phương (liên kết hợp tác giữa trung ương, địa phương, các doanh nghiệp thương mại điện tử, ngân hàng và người dân).

Huy động nguồn lực triển khai Chương trình: Tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn/bản; hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử. Huy động các nguồn lực tham gia thực hiện Chương trình, nhất là lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các nguồn huy động hợp pháp từ các thành phần kinh tế và người dân thực hiện chuyển đổi số. Đẩy mạnh kêu gọi sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực của các đối tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số, xây dựng xã nông thôn mới thông minh.

Cuối cùng, để chuyển đổi số trong xây dựng NTM thực sự thành công, cần tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân nông thôn chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân nông thôn./.

ThS. Nguyễn Thị Hòa