Huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) nhiều cách làm trong Xây dựng nông thôn mới

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), ngay từ khi bắt đầu triển khai, Ba Chẽ đã xác định rõ các thách thức và đề ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Huyện đã chủ động phát huy nội lực, thế mạnh, khai thác các sản phẩm chủ lực, bảo đảm tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, giúp người dân nâng cao thu nhập. Đây chính là hướng đi ngắn nhất, bền vững nhất giúp huyện Ba Chẽ tạo được nguồn lực tại chỗ, thúc đẩy Ba Chẽ nhanh chóng vươn lên trở thành huyện NTM.

Khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, Ba Chẽ chỉ đạt bình quân 2,2/19 tiêu chí. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo mới là 25%; thu nhập bình quân đầu người ở các xã mức thấp nhất đạt 4,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo 48,08%. Một khó khăn nữa, Ba Chẽ cũng là địa phương có tỷ lệ đồng bào người dân tộc thiểu số lớn nhất và có nhiều xã diện đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135.

Từ thực trạng trên, hàng loạt các giải pháp đồng bộ trong xây dựng NTM đã được huyện Ba Chẽ triển khai. Trong đó, Ba Chẽ tập trung thúc đẩy lấy tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về hộ nghèo làm đòn bẩy để thực hiện tiêu chí khác trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng sức đồng lòng của người dân, huyện đã nhanh chóng tập trung nguồn lực xây dựng các mô hình, các điểm phát triển kinh tế, từng bước nâng cao giá trị, hiệu quả các sản phẩm nông, lâm nghiệp.

Cùng với phát triển kinh tế, huyện đã tranh thủ tối đa sự quan tâm của tỉnh về vốn ngân sách nhà nước và chủ động vận động các nguồn lực khác, nhất là nguồn lực từ sự đóng góp của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp... trong đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế. Theo đó, cách làm của Ba Chẽ đã khơi dậy được nguồn lực, sự chủ động tham gia của người dân vào việc kiến thiết, xây dựng quê hương. Tổng nguồn vốn được huy động xây dựng NTM giai đoạn 2010-2021 của huyện được gần 2.000 tỷ đồng, thực hiện đầu tư nâng cấp, mở mới được hơn 100km đường giao thông nông thôn, tạo nên hạ tầng giao thông thuận lợi tại các xã, thôn, bản.

Là một xã khi bắt đầu xây dựng NTM có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao nhất so với các xã khác trên địa bàn huyện, nhưng giờ đây, xã Thanh Lâm đã khởi sắc cả về diện mạo và đời sống, văn hóa, tinh thần của người dân. Cơ sở hạ tầng kinh tế của Thanh Lâm được đầu tư bài bản, các tuyến đường liên thôn, đường vào khu sản xuất được bê tông hóa. Các mô hình kinh tế rừng, vườn, chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng mạnh mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao…

q-1679208749.jpg
Mô hình trồng cây Cát Sâm của anh Triệu Quay Phúc (thứ 2 trái sang), thôn Tầu Tiên, xã Đồn Đạc

Chị Trần Thị Hương, thôn Pha Lán, xã Thanh Lâm, cho biết: Từ một hộ nhiều năm nằm trong danh sách hộ nghèo của xã, nhưng từ khi xã triển khai chương trình xây dựng NTM, với nhiều chính sách của Trung ương, tỉnh và huyện cộng với sự vào cuộc tích cực của xã, gia đình tôi giờ đây không chỉ thoát được nghèo mà ngày càng giàu lên. Hiện tại, bình quân mỗi năm, gia đình tôi đã có nguồn thu lên tới hơn 100 triệu đồng từ vườn trà hoa vàng, cây cát sâm và rừng cây keo, đó là chưa kể đến chăn nuôi.

Hưởng lợi từ thành quả xây dựng NTM đang ngày càng hiện diện chính là những ngôi nhà kiên cố, khang trang mọc lên ở khắp các thôn, bản. Những con đường đất lầy lội trước đây đã được thay thế bằng các trục đường bê tông phong quang, rộng rãi...

Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người ở các xã trên địa bàn huyện đạt 4,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo 48,08%, thì đến hết năm 2022 thu nhập bình quân đầu người ở các xã trên địa bàn huyện đạt 66 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo 0,14%. Đến hết năm 2022, Ba Chẽ đã có 7/7 xã đạt chuẩn xã NTM, trong đó có 2 xã Lương Mông và Minh Cầm đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết, để tạo nền tảng bền vững trong xây dựng NTM, Ba Chẽ tiếp tục đề ra các giải pháp căn cơ phù hợp với thực tiễn của địa phương và huy động các nguồn lực nâng cao các tiêu chí xã xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2025. Đồng thời tập trung tuyên truyền những thành quả đạt được trong xây dựng NTM, tạo niềm tin, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân tiếp tục hăng hái thực hiện chương trình; xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP. Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến nông, lâm, du lịch sinh thái tại địa phương. Với cách làm của Ba Chẽ sẽ góp phần giữ vững thành quả huyện NTM và tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu./.

Phạm Hải