Chương trình cho vay 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã giải ngân hoàn thành 100%

Tiếp nối sự thành công của Chương trình cho vay 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, trong năm 2024 Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ tăng gấp đôi quy mô gói tín dụng ưu đãi cho lâm thuỷ sản từ 15.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng với sự tham gia của các ngân hàng hiện có.
thuysan-1708509156.jpg
Chương trình cho vay 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã giải ngân hoàn thành 100%. Ảnh minh họa

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2023 đạt 53,01 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu 54 tỷ USD đề ra từ đầu năm. Không đạt được mục tiêu, nhưng xuất siêu lại lập kỷ lục với 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% so với năm 2022, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Trong đó, nhóm ngành nông sản có mức đóng góp ấn tượng, đặc biệt từ mặt hàng rau quả và gạo…

Tuy nhiên, ở ngành hàng thủy sản, xuất khẩu năm 2023 ước đạt 9,2 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022; Trong đó, xuất khẩu tôm khoảng 3,45 tỉ USD, cá tra khoảng 1,9 tỉ USD, cá ngừ đạt 900 triệu USD, nhuyễn thể 800 triệu USD.

Về thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều gặp khó khăn. Top 5 thị trường gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc – HK, EU và Hàn Quốc đều bị sụt giảm từ 11-28% so với năm 2022. Về sản phẩm, những mặt hàng chính là tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm 16-20%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm 20% và nhuyễn thể có vỏ (nghêu, sò, ốc…) giảm 14%. Tuy nhiên, dù xuất khẩu cả năm 2023 giảm, nhưng dấu hiệu dần hồi phục từ những tháng cuối năm đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Lý giải nguyên nhân sụt giảm, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm và thị trường xuất khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn là do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine; lạm phát cao tại một số nước trên thế giới, trong đó có những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...), làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu.

Trước những khó khăn của ngành lâm sản, thủy sản, ngày 14/7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Văn bản 5631/NHNN-TD, hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024. Về quy mô tín dụng của chương trình khoảng 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra gói 10.000 tỷ đồng). Đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Chương trình cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản kéo dài đến 30/6/2024, với lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1-2%/năm so với lãi vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng. Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường. Rất nhiều ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình gồm: Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank, LPBank, Sacombank, MB, ACB, Nam A Bank, OCB, Eximbank, SHB.

ngan-hang-1708509190.jpg
Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024. Ảnh Hà Anh

Đánh giá hiệu quả gói tín dụng này, tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước diễn ra vào chiều 20/2, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú Chương trình cho vay 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có thể được xem là gói vay khá thành công trong năm 2023 khi đây là chương trình vay ưu đãi duy nhất đã giải ngân hoàn thành 100% mục tiêu của chương trình cho trên 6.000 lượt khách hàng vay vốn.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Xét theo ngành kinh tế, tạm tính đến cuối năm qua, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản tăng 6,95%.

Với sự thành công đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã thống nhất việc sẽ tăng gấp đôi quy mô gói tín dụng ưu đãi cho lâm thuỷ sản từ 15.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng với sự tham gia của các ngân hàng hiện có.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cùng với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất đã và đang triển khai thời gian qua, việc triển khai chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Lãi suất cho vay thấp cũng khuyến khích các hộ kinh doanh mở rộng hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, cung cấp nguyên liệu cho hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản - lĩnh vực có lợi thế quốc gia và là động lực tăng trưởng, nhất là dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Nếu các hoạt động này được duy trì và phát triển sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho hoạt động kinh tế mà trực tiếp tác động tích cực đến thu nhập của người nông dân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh./.

Hương Lan