Chốt phiên 29/9, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 2,1%, xuống 29.544,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 1,8%, xuống 3.536,29 điểm. Chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) giảm 1,22%, xuống 3.060,27 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,67%, lên 24.663,5 điểm.
Những lo ngại về nguy cơ phá sản của tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc, tình trạng thiếu năng lượng tại nước này và sự lây lan của biến thể Delta cũng gây sức ép lên tâm lý của nhà đầu tư.
Sau một năm rưỡi Fed và các ngân hàng trung ương khác thực hiện chính sách tiền tệ siêu nới lỏng nhằm hỗ trợ đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, nhờ đó tạo đà để các thị trường chứng khoán đạt các mức cao kỷ lục nhiều năm, các quan chức đã cho thấy sự sẵn sàng trong việc dừng hỗ trợ.
Lạm phát tiếp tục tăng lên do các vấn đề về nguồn cung cũng như giá năng lượng tăng mạnh. Trong tuần trước, Fed cho biết sẽ bắt đầu giảm tốc độ mua trái phiếu vào cuối năm nay, trong khi có thể tăng lãi suất trước năm 2023.
Thông tin trên ban đầu không tác động nhiều đến thị trường, nhưng việc lợi suất trái phiếu tăng đã gây lo ngại Fed có thể thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn và nhanh hơn so với dự kiến ban đầu.
Các nhà đầu tư cũng đang tiếp tục theo dõi diễn biến tại Quốc hội Mỹ liên quan đến vấn đề nâng trần nợ.
Các nghị sỹ đảng Cộng hòa đã phản đối việc nâng trần nợ, dù các quan chức hàng đầu, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Chủ tịch Fed Jerome Powell, cảnh báo những tác động về kinh tế nếu Mỹ không thực hiện được các nghĩa vụ thanh toán nợ.
Bà Yellen cảnh báo, một thỏa thuận cần đạt được trước khi ngân sách hoạt động của chính phủ "cạn kiệt" vào ngày 18/10 tới.
Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên giao dịch 29/9, chỉ số VN-Index giảm 0,6 điểm (0,04%) xuống 1.450,52 điểm; HNX-Index giảm 1,74 điểm (0,49%) xuống 354,29 điểm.