Chuẩn bị tắt sóng 2G, điện thoại 'cục gạch' bị chặn kết nối

Từ ngày 1/3/2024, nhà mạng sẽ không cho phép nhập mạng mới các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G (2G Only), không thuộc danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ TT&TT công bố.

Ngày 23/2/2024, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) ra thông báo về việc triển khai giải pháp ngăn chặn máy điện thoại di động 2G không được chứng nhận hợp quy mới kết nối vào mạng viễn thông di động tại Việt Nam. Đây được coi là động thái mới nhất hiện thực hóa các chủ trương, định hướng dừng công nghệ di động 2G, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy Kinh tế Số, Xã hội Số.

tat-song-2g-03-1708823294.jpg
Từ 1/3/2024, các máy điện thoại di động mặt đất 2G không chứng nhận hợp quy sẽ không được phép kết nối vào mạng di động. (Ảnh minh họa)

Tắt 2G ngăn điện thoại không hợp chuẩn nhập mạng

Theo thông tin từ Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), căn cứ chủ trương, định hướng dừng công nghệ di động 2G, phổ cập điện thoại thông minh, Bộ TT&TT và các doanh nghiệp viễn thông sẽ triển khai kiểm soát, ngăn chặn việc kết nối thiết bị 2G vào mạng viễn thông di động.

Cụ thể, từ ngày 1/3/2024, các máy điện thoại di động mặt đất 2G không chứng nhận hợp quy sẽ không được phép kết nối vào mạng di động. Nhà mạng sẽ không cho phép nhập mạng mới các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G (2G Only), không thuộc Danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ TT&TT công bố.

Cục Viễn thông cũng cho biết, để thực hiện chủ trương này, các doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm truyền thông rộng rãi tới khách hàng của mình, đồng thời công bố các đầu mối giải quyết khiếu nại.

Theo Cục Viễn thông, nếu có thắc mắc và khiếu nại về máy điện thoại 2G không được kết nối mạng, người dân cần gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng để được hỗ trợ, hướng dẫn.

tat-song-2g-04-1708823281.jpg
Các nhà mạng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi dành cho thuê bao 2G chuyển đổi lên 4G. (Ảnh minh họa)

Các nhà mạng đưa giải pháp bảo vệ khách hàng

Chia sẻ với báo chí, đại diện Viettel cho hay, trước khi có thông báo chính thức của Bộ TT&TT, Viettel đã chủ động thông tin đến các khách hàng, khuyến nghị nhanh chóng kiểm tra SIM và điện thoại đang sử dụng có hỗ trợ 4G hay không để thực hiện chuyển đổi sớm nhất.

Viettel đã đưa ra nhiều chương trình ưu đãi dành cho thuê bao 2G chuyển đổi lên 4G. Cụ thể, đơn vị này đã ra mắt nhiều dòng máy feature phone và smartphone 4G giá rẻ, đi kèm với chính sách ưu đãi chưa từng có.

Theo đó, Viettel Telecom sẽ trợ giá tới 50% một số dòng máy 4G giá rẻ có tính năng nghe gọi (chỉ còn từ 290.000 đồng/máy). Đối với người dùng chuyển đổi lên 4G thành công và sử dụng điện thoại smartphone, họ sẽ được tặng 28GB data tốc độ cao và miễn phí data khi xem ứng dụng TV360.

Để chuẩn bị cho kế hoạch tắt sóng 2G, Viettel đã phủ sóng 4G rộng khắp, đến tất cả những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, đơn vị này cũng đồng thời thử nghiệm phát sóng 5G ở nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước, đảm bảo người dân không bị gián đoạn liên lạc khi chính thức dừng công nghệ 2G.

Theo ông Lê Mai Sơn - Phó Ban truyền thông MobiFone, hiện nhà mạng này còn khoảng 3 triệu thuê bao 2G. Ông Sơn cho hay, MobiFone đã tắt sóng 2G ở những khu vực có lưu lượng thấp. Trước khi tắt, nhà mạng này đã có phương án đánh giá ảnh hưởng đến người dân, việc triển khai được thực hiện theo lộ trình cụ thể.

Chia sẻ thêm, đại diện MobiFone cho hay, trong quá trình triển khai tắt sóng 2G, đơn vị này đã nhắn tin, gọi điện, cử nhân viên địa bàn chăm sóc, tránh việc người dùng bật máy lên mới biết không có mạng. Khi khách hàng có nhu cầu, MobiFone sẽ hỗ trợ người dùng đổi SIM 2G lên 4G miễn phí.

Nhà mạng VNPT VinaPhone cho hay, để đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý về việc dừng sóng 2G, VinaPhone đã sẵn sàng lộ trình phù hợp và truyền thông rộng rãi tới khách hàng, đồng thời, có các chính sách hỗ trợ khách hàng chuyển đổi.

“Trong mọi trường hợp, VinaPhone đều chuẩn bị sẵn các phương án nhằm đảm bảo quyền lợi và không ảnh hưởng tới trải nghiệm của khách hàng khi thực hiện tắt sóng 2G”, đại diện nhà mạng khẳng định.

tat-song-2g-05-1708823364.jpg
Để chuẩn bị cho kế hoạch tắt sóng 2G, các nhà mạng đã có lộ trình đầu tư nâng cấp hạ tầng. (Ảnh minh họa)

Tắt sóng 2G nhằm đẩy mạnh lộ trình số hóa

Để chuẩn bị cho lộ trình tắt sóng 2G, Bộ TTTT cũng đã sớm ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất” chính thức có hiệu lực từ tháng 7-2021, buộc các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.

Tháng 9/2024 cũng là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần vô tuyến điện mạng 2G đối với các nhà mạng, đây cũng sẽ là thời điểm chính thức tắt sóng 2G tại Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam vẫn còn khoảng hơn 15 triệu thuê bao 2G, để thúc đẩy chuyển đổi sang 4G, Bộ TTTT cho biết sẽ phối hợp với các nhà mạng, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp cùng với các nhà mạng để hỗ trợ cho người dân thực hiện chuyển đổi.

Trong đó, Quỹ Viễn thông công ích sẽ dành kinh phí hỗ trợ cho thuê bao là hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa chuyển đổi thiết bị từ 2G sang 4G với khoảng 400.000 máy. Hiện Quỹ đang thực hiện thống kê các hộ dân thuộc diện cần hỗ trợ.

Việc tắt hoàn toàn sóng 2G nhằm mục tiêu tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển. Một trong những lợi ích của tắt sóng 2G là thúc đẩy 100% người dân Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh. Khi đó, người dân có điều kiện tiếp cận các dịch vụ số đa dạng, đồng thời kiến tạo nên môi trường số chất lượng cao cho chiến lược Chuyển đổi Số Quốc gia trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Việc chuyển dịch lên 4G cũng giúp người dùng có thể truy cập Internet tốc độ cao, thuận tiện sử dụng các dịch vụ trực tuyến tiện ích trong giáo dục, y tế, thanh toán, giải trí…

Cho đến hiện tại, các nhà mạng lớn đã tiến hành tắt sóng 2G và 3G ở những khu vực có nhu cầu thấp, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho lộ trình này.

Để chuẩn bị cho kế hoạch tắt sóng 2G, Viettel đã tiên phong phủ sóng 4G rộng khắp đến tất cả những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo xa xôi đồng thời thử nghiệm phát sóng 5G ở nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước, đảm bảo người dân không bị gián đoạn liên lạc khi chính thức dừng công nghệ 2G.

Ông Nguyễn Trọng Tính - Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho rằng, tắt sóng 2G là chủ trương rất đúng đắn, phù hợp với xu thế và nhu cầu của khách hàng, xã hội trong giai đoạn hiện nay. “Đây là bước ngoặt quan trọng trong phát triển hạ tầng viễn thông tại Việt Nam cũng như là chìa khóa mở ra Cuộc sống Số, Tương lai Số với nhiều tiện ích, cơ hội mới cho người dân," ông Tính nhấn mạnh.

Từ năm 2015, khi 2G vẫn chiếm khoảng khoảng 60% lưu lượng mạng, VNPT đã xác định chiến lược và xây dựng kế hoạch tắt sóng 2G. Trong 2 năm qua, VNPT đã chủ động tiến hành tắt các trạm riêng lẻ không phát sinh hoặc phát sinh rất ít lưu lượng.

Theo đại diện VinaPhone, đơn vị này tiến hành tắt sóng khoảng 10% trạm riêng 2G. VNPT đã xây dựng kế hoạch, giải pháp để đến tháng 9/2024 sẽ thực hiện chuyển đổi tất cả thuê bao, thiết bị chỉ hỗ trợ mạng 2G theo chỉ đạo, định hướng của Bộ TT&TT.

“Thực hiện theo đúng chủ trương của Bộ TTTT, VNPT hiện đã sẵn sàng cho việc tắt sóng 2G. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị đầy đủ các phương án để hỗ trợ người dân, khách hàng thực hiện chuyển đổi lên các thiết bị 4G, 5G một cách tối ưu, để không một người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia”, đại diện VNPT cho biết./.

Bình Châu