Chuẩn bị nguồn nông sản cho tiêu dùng và xuất khẩu những tháng cuối năm

Nhằm chuẩn bị nguồn hàng nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng và chế biến xuất khẩu trong những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ đã xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức sản xuất, cung ứng, tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn thành phố.
may-gat-rdka-1632912621.jpg
Ngành nông nghiệp Cần Thơ xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất, cung ứng, tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, cơ quan này đã tham mưu xây dựng và triển khai phương án sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản, thủy sản đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của UBND thành phố Cần Thơ. Đồng thời, triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp những tháng cuối năm 2021 và định hướng phát triển nông nghiệp năm 2022 với các nội dung cụ thể, thiết thực.

Theo đó, về lĩnh vực trồng trọt, vụ lúa Thu Đông 2021 ngành nông nghiệp thành phố triển khai chăm sóc lúa Thu Đông để nâng cao năng suất; phối hợp với các địa phương để kết nối thu hoạch, hoạt động thu mua và vận chuyển lúa an toàn. Đến nay, nông dân Cần Thơ đã xuống giống được 69.995 ha lúa Thu Đông; trong đó, diện tích đã thu hoạch đạt khoảng 22.000 ha, chiếm tỷ lệ 31%, năng suất đạt 5,53 tấn/ha, cao hơn vụ Thu Đông năm 2020 khoảng 0,2 tấn/ha.

Tuy nhiên, do giá lúa giảm hơn cùng kỳ từ 600-1.000 đồng/kg nên lợi nhuận nông dân thu được ước đạt từ 5,5-6 triệu đồng/ha, thấp hơn vụ Thu Đông 2020.

Về vụ lúa Đông Xuân 2021-2022, ngành nông nghiệp thành phố đang theo dõi tình hình khí tượng thủy văn và mật độ rầy nâu để xây dựng lịch thời vụ xuống giống, chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm; đồng thời, kết nối vật tư và tiêu thụ ngay từ đầu vụ. Dự kiến, diện tích xuống giống vụ Đông Xuân 2021-2022 của thành phố khoảng 76.290 ha theo 2 đợt, đợt 1 từ ngày 8-14/11, đợt 2 từ ngày 28/11 đến 4/12.

Về rau màu, ngành nông nghiệp có kế hoạch hướng dẫn nông dân tập trung sản xuất các loại rau màu phục vụ nhu cầu thiết yếu trong và ngoài thành phố. Dự kiến từ nay đến cuối năm, nông dân sẽ gieo trồng thêm 1.000 ha, tổng sản lượng thu hoạch khoảng 51.688 tấn.

Đối với cây ăn trái, ngành hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc, thu hoạch các sản phẩm cây ăn trái phục vụ Tết Nguyên đán đảm bảo năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, nông dân thành phố sẽ thu hoạch trên 700 ha vườn cây ăn trái, tổng sản lượng thu hoạch ước khoảng 38.568 tấn.

Về hoa kiểng, ngành nông nghiệp Cần Thơ khuyến cáo người dân trồng các loại hoa kiểng truyền thống để phục vụ nhu cầu Tết ở trong và ngoài thành phố; không khuyến khích người dân mở rộng diện tích, quy mô sản xuất hoa kiểng do tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường, kinh tế của người dân sau dịch còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng hoa kiểng sẽ không ca.

Đối với chăn nuôi, ngành nông nghiệp thành phố khuyến khích người dân phát triển đàn lợn, gà, vịt và đàn bò thịt chất lượng cao theo hướng tăng quy mô đàn, cải thiện nâng cao chất lượng đàn giống. Cùng đó, có kế hoạch tái đàn, tăng đàn đối với các đối tượng vật nuôi phù hợp và lợi thế để đảm bảo chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng.

Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ đã tập trung tiêm ngừa thường xuyên đối với các dịch bệnh như: bệnh cúm gia cầm trên đàn gia cầm, bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc, dịch tả lợn châu Phi và gần đây là bệnh diêm da nổi cục trên trâu bò...; vận động các trang trại, hợp tác xã, hộ chăn nuôi tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại.

Dự kiến đến cuối năm, tổng sản lượng thịt gia súc hơi trên địa bàn thành phố Cần Thơ đạt khoảng 11.000 tấn, thịt gia cầm đạt khoảng 3.000 tấn, trứng gia cầm khoảng 31,2 triệu trứng.

Về lĩnh vực thủy sản, thành phố tập trung hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thủy sản chủ động tiếp tục duy trì phát triển sản xuất đảm bảo nguồn cung hàng hóa thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Dự kiến sản lượng thu hoạch thủy sản của thành phố sẽ đạt khoảng 103.000 tấn, riêng đối với cá tra, sản lượng đạt khoảng 80.000 tấn.

Trong việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản, ngành nông nghiệp phối hợp với Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử của Bộ Nông nghiệp. Đồng thời, tự xây dựng sàn thương mại điện tử riêng của ngành để hỗ trợ, quảng bá, tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.

Ngành nông nghiệp cũng phối hợp với các quận, huyện rà soát, cung cấp thông tin về nhu cầu, khả năng cung ứng các mặt hàng nông sản đến các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác để biết, quản lý, cung cấp thông tin lên sàn thương mại điện tử; thiết lập và thông báo rộng rãi đường dây nóng để tiếp nhận thông tin.

Mặt khác, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, thu hoạch vận chuyển nông sản cũng như vật tư nông nghiệp, phối hợp với các địa phương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong vận chuyển hàng hóa trong điều kiện vẫn còn dịch bệnh COVID -19.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp Cần Thơ cũng phối hợp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hội nghị trực tuyến liên kết, phối hợp trong phòng chống dịch COVID -19 và phát triển kinh tế, để lưu thông hàng hóa nông thủy sản. Sự kiện dự kiến tổ chức vào đầu tháng 10/2021 tại thành phố cần Thơ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố hướng dẫn việc tổ chức sản xuất thu hoạch nông sản, thủy sản đảm bảo phòng chống dịch COVID -19 trên địa bàn thành phố với từng các đối tượng cụ thể. Đó là, hướng dẫn tổ chức sản xuất, thu hoạch nông sản tại các địa phương thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, hướng dẫn đối với các tổ, đội sản xuất, thu hoạch nông sản mà các thành viên cư trú ngoài địa bàn thành phố Cần Thơ muốn đến thành phố tham gia các hoạt động sản xuất, thu hoạch nông sản và hướng dẫn đối với các tổ, đội sản xuất thu hoạch nông sản mà các thành viên là người Cần Thơ muốn sang các địa phương khác để hỗ trợ các hoạt động sản xuất, thu hoạch nông sản.

Ngọc Thiện