Thanh Hóa tháo gỡ khó khăn 10 dự án trọng điểm đang gặp "vướng mắc"

Nhiều dự án trọng điểm mang tính "chiến lược” tại Thanh Hóa đang gặp không ít khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) và hồ sơ pháp lý. Để giải quyết vấn đề này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

"Vướng mắc" pháp lý

Tính đến năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa có 10 Dự án được xem là “trọng điểm” mang tính đột phá, là niềm kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân xứ Thanh như Dự án: xây dựng khu Công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng; Tổ hợp hóa chất Đức Giang; Cảng Container Long Sơn... Tuy nhiên, đến nay tiến độ triển khai thực hiện vẫn ì ạch. Phần lớn các công trình nêu trên đều gặp không ít khó khăn trong khâu thủ tục hành chính và GPMB.

Dự án Tổ hợp Hóa chất Đức Giang Được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2020, chủ đầu tư của dự án là Công ty TNHH MTV hoá chất Đức Giang, tổng vốn đăng ký đầu tư 2.400 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 30 ha. Đến nay, nhà đầu tư đã triển khai hoàn thành công tác GPMB; được cho thuê và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đợt 1, với diện tích 17,8 ha; phần diện tích còn lại (12,2 ha) đang được hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thuê đất; đã được cơ quan chức năng thẩm định dây chuyền công nghệ, đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tổng vốn đã giải ngân của dự án khoảng 461,5 tỷ đồng.

111-1679420702.jpg

Nhiều Dự án tại khu kinh tế Nghi Sơn đang gặp không ít khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, vì tính chất đặc thù của dự án một số hồ sơ, thủ tục phải thực hiện tại các bộ, ngành, dẫn đến thời gian xử lý kéo dài; một số hộ dân thôn Lâm Quảng, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn trong dự án chưa được di dời.

Tại Dự án xây dựng khu công nghiệp Lam Sơn Sao Vàng cũng gặp không ít khó khăn về công tác GPMB, thủ tục, hồ sơ giao đất cho thuê đất; thỏa thuận phương án cấp điện, cấp nước cho Khu công nghiệp. Dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 5/2017, chủ đầu tư dự án là Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi và Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung; tổng vốn đăng ký đầu tư 3.255,56 tỷ đồng, quy mô diện tích sử dụng đất 537 ha. Đến nay, dự án đã thực hiện bồi thường GPMB được 98,81 ha/121 ha giai đoạn 1; hoàn thành một số thủ tục như: phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm duyệt phương án PCCC; đang hoàn thiện thủ tục giao đất, cho thuê đất. Hiện dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc về công tác GPMB; về thủ tục, hồ sơ giao đất cho thuê đất; thỏa thuận phương án cấp điện, cấp nước cho Khu công nghiệp.

Hay như Dự án xây dựng đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa -Sầm Sơn và Quảng Xương theo hợp đồng (BOT) cũng gặp không ít khó khăn trong khâu thủ tục hành chính. Dự án phải trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, mất nhiều thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, theo quy định của Hợp đồng dự án, nhà đầu tư sẽ giải ngân trước 50% vốn chủ sở hữu, nên phần vốn Nhà nước giai đoạn này không giải ngân được; vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không có quy định ứng mà chỉ thanh toán hạng mục hoàn thành, dẫn đến chậm giải ngân nguồn vốn; việc giải ngân của dự án còn phụ thuộc vào tiến độ ký hợp đồng tín dụng của Nhà đầu tư.

Dự án Khu công nghiệp Đồng Vàng Được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 3/2022, chủ đầu tư của dự án là Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát - CTCP; tổng vốn đăng ký đầu tư 2.400,22 tỷ đồng, quy mô diện tích sử dụng đất 491,9 ha. Vướng mắc lớn của án là việc xét nguồn gốc đất phức tạp, nhiều hộ dân không thống nhất về đơn giá bồi thường; phần diện tích để xây dựng trạm xử lý nước thải (2,7 ha) chậm bàn giao; việc triển khai đầu tư xây dựng 02 khu tái định cư phục vụ cho dự án chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc di dân, bồi thường GPMB thực hiện dự án.

Không chỉ có vậy, hầu như tất cả các dự án đều gặp không ít khó khăn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý, dẫn đến tiến độ triển khai xây dựng không kịp tiến độ. Kéo theo nhiều thiệt hại cho nhà đầu tư, gây khó khăn cho những hộ dân nằm trong dự án. Ngoài ra, những đại dự án trên còn vướng mắc không ít khó khăn trong khâu GPMB khi chính quyền và người dân không tìm được tiếng nói chung.

Gian nan GPMB

Dự án Khu công nghiệp Đồng Vàng cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB do việc xét nguồn gốc đất phức tạp, nhiều hộ dân không thống nhất về đơn giá bồi thường; phần diện tích để xây dựng trạm xử lý nước thải (2,7 ha) chậm bàn giao; việc triển khai đầu tư xây dựng 02 khu tái định cư phục vụ cho dự án chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc di dân.

Nhằm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ dự án, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan, căn cứ các quy định hiện hành của Nhà nước, chủ động đấu mối, hỗ trợ Chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để khởi công dự án trong tháng 3/2023; yêu cầu UBND thị xã Nghi Sơn khẩn trương hoàn thành công tác GPMB phần diện tích còn lại của dự án theo giai đoạn quy định, trong đó đặc biệt ưu tiên GPMB trạm xử lý nước thải (2,7 ha) để đáp ứng điều kiện khởi công dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và dự án sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp; đồng thời, khẩn trương hoàn thiện đầu tư xây dựng 02 khu tái định cư tại xã Phú Lâm và Tùng Lâm để phục vụ công tác di dân tái định cư dự án.

Hay như Dự án Cảng container Long Sơn gặp một số khó khăn do sự phản ứng, ngăn cản của một số hộ dân xã Hải Hà, dẫn đến chưa hoàn thành xong công tác bồi thường GPMB tuyến đường vào khu cảng container Long Sơn, ảnh hưởng đến việc đầu tư tuyến đường vào cảng cũng như việc khởi công xây dựng các bến cảng…

Với phương châm, rối ở đâu, tìm cách gỡ, khắc phục ngay, UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp chủ động hỗ trợ. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng, đảm bảo đủ điều kiện khởi công xây dựng . yêu cầu UBND thị xã Nghi Sơn tập trung triển khai công tác bồi thường GPMB, di dân tái định cư đối với các hộ dân. Chính quyền địa phương, thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho các hộ dân hiểu, để nhanh chóng chấp thuận tái định cư bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Hoặc như trường hợp Dự án sản xuất vật liệu bảo ôn và tấm thạch cao Long Sơn gặp khó khăn của dự án liên quan đến công tác GPMB cho 6,0ha đất còn lại do các hộ dân tranh chấp quyền sử dụng đất, khiếu nại đơn giá bồi thường và chính sách hỗ trợ đời sống, sản xuất của người dân bị ảnh hưởng. UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo UBND thị xã Nghi Sơn xây dựng kế hoạch, xác định cụ thể thời gian hoàn thành công tác bồi thường GPMB dự án, làm cơ sở xác định thời gian khởi công xây dựng dự án trong năm 2023; đề nghị Chủ đầu tư tập trung nguồn lực để khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục của dự án, nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết để khởi công trong năm 2023.

Những chính sách quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các dự án của UBND tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo triển khai được kỳ vọng là đòn bẩy đưa 10 dự án trọng điểm ở Thanh Hóa được triển khai đúng kế hoạch, kịp tiến độ, đúng bản chất là “những Dự án kỳ vọng của lãnh đạo và người dân xứ Thanh./.

Lê Gia- Hà Minh