Bạc Liêu chú trọng xây dựng “Nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”

Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh là mục tiêu chung trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững của Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch hành động).

Với mục tiêu chung đã đề ra, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng các mục tiêu cụ thể, nổi bật là: Chú trọng phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn.

Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng có hiệu quả Dự án xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu cũng được quan tâm sao cho đến năm 2030 có từ 10 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trở lên. Đáng chú ý, mục tiêu về giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản được đề ra ở mức 2.000 triệu USD (trong đó thủy sản ước đạt 1.500 triệu USD). Đồng thời, hướng đến mục tiêu đạt được khoảng 40% sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh xuất khẩu có thương hiệu, 70% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc và khoảng 60% giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản qua chế biến và chế biến sâu. 

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu trở thành một trong tỉnh có ngành công nghiệp chế biến tôm hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn sẽ không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.

hinh-1-1655171492.jpg
Ngư dân Bạc Liêu ra khơi đánh bắt thuỷ sản.

Từng lĩnh vực sản xuất chiến lược cũng được định hướng chỉ tiêu phát triển cụ thể. Ở lĩnh vực trồng trọt, diện tích gieo trồng lúa 198.696 ha (diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ 41.000 ha), sản lượng 1.270.000 tấn (sản lượng lúa sản xuất theo hướng hữu cơ 190.240 tấn). Thực hiện cánh đồng lớn gắn với bao tiêu lúa gạo đạt 100.000 ha gieo trồng lúa, chiếm trên 50% diện tích gieo trồng.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, chỉ tiêu đàn heo là 260.000 con; đàn trâu, bò 4.500 con; đàn dê 12.500 con; đàn gia cầm 3.800.000 con; thịt hơi các loại 40.000 tấn; trứng gia cầm 84 triệu quả. Lĩnh vực thủy sản đề ra chỉ tiêu diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 150.410 ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 540.000 tấn, trong đó sản lượng tôm 340.000 tấn (sản lượng tôm sản xuất theo hướng hữu cơ 20.500 tấn).

Với lĩnh vực lâm nghiệp, chỉ tiêu là giữ ổn định diện đất lâm phần đạt 7.804,44 ha (trong đó diện tích có rừng 3.922,57 ha). Tỷ lệ che phủ rừng, cây phân tán và cây lâu năm chiếm 11,47% diện tích tự nhiên.

Để đảm bảo đạt mục tiêu đề ra, các giải pháp chính được xây dựng là tuyên truyền, giáo dục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động; đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trình độ, hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển thị trường trong và ngoài nước đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản; xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng; đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; chủ động thích ứng vói biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro; hội nhập và hợp tác quốc tế; xây dựng, hoàn thiện và triển khai một số cơ chế, chính sách đột phá…

Đặc biệt, một số dự án công trình trọng tâm thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ được xây dựng và đưa vào sử dụng như: Kè chống sạt lở cửa sông, ven biển thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải; Kè chống sạt lở cửa biển Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu; Dự án xây dựng hệ thông công trình ngăn triều, chống ngập cho thành phố Bạc Liêu và vùng lân cận; Dự án gây bồi tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu; Dự án chống xói lở gây bồi, trồng rừng ngập mặn chống xói lở, bảo vệ đê biển Gành Hào; Dự án đoạn kè cấp bách chống sạt lở bảo vệ đê biển khu vực cửa biển Nhà Mát… 

hinh-2-1655171492.jpg
Một buổi cào nghêu của bà con xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu

Kế hoạch hành động cũng xây dựng danh mục gồm 16 chương trình, đề án ưu tiên thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tương ứng với 06 nhiệm vụ trong thời gian tới là: Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị và phát triển nông thôn hiện đại, bền vững; Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, Phát triển nông nghiệp số; Phát triển các vùng, khu kinh tế, kết nối nông thôn, đô thị; Phát triển nông thôn, xây dựng xã hội nông thôn văn minh hiện đại; Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan.

Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững của Bạc Liêu có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh nền nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, phát triển bền vững, phát huy vai trò là trụ cột của nền kinh tế, góp phần thực hiện đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Phương Quyên