Bạc Liêu: Giá tăng, nông dân mở rộng diện tích rau màu nghịch vụ

Từ trước Tết nguyên đán Nhâm Dần đến nay, một số loại rau màu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giữ giá ở mức khá cao; trong đó, có loại cao hơn trung bình những năm trước đến 30%. Rau tăng giá, thu nhập tăng, nông dân phấn khởi tăng diện tích trồng rau màu nghịch vụ, bất chấp điều kiện bất lợi của thời tiết nắng hạn trong mùa khô.

Ghi nhận tại các chợ trên địa bàn thành phố Bạc Liêu những ngày qua cho thấy, nguồn cung rau, củ, quả khá dồi dào, và giá các mặt hàng đều tăng. Cụ thể: khổ qua có giá 20.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; cà tím giá 20.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; khoai môn giá 40.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; củ hành tím giá 25.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/ kg; rau má 20.000 đồng/kg…

Bà Lê Thị Đào, Phó trưởng phòng Kinh tế thành phố Bạc Liêu đánh giá, hiện thị trường rau củ quả đang tăng, trung bình từ 5.000-15.000 đồng/kg đã tạo tâm lý phấn khởi cho nhà nông. Thành phố Bạc Liêu là địa phương có diện tích chuyên canh rau màu lớn của tỉnh. Gieo trồng vào thời điểm này là trái vụ, nhưng do được giá nên nhiều diện tích trồng rau màu đã được bà con cải tạo ngay để tiếp tục gieo trồng vụ mới, với hy vọng "được mùa trúng giá".

Hiện tại đang là cao điểm của mùa khô, nắng nóng kéo dài nên việc chăm sóc rau màu có phần vất vất vả hơn. Để rau màu phát triển tốt trong điều kiện thời tiết bất lợi, người trồng màu phải sử dụng nhiều nước tưới cùng với đó là sử dụng thêm các loại phân thuốc để dưỡng thân, dưỡng lá. Công việc dù vất vả, nhưng mọi người đều hy vọng vào một vụ mùa đạt năng suất, để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Với diện tích trên 1ha, ông Thạch Của, ấp Giồng Giữa B, xã Vĩnh Trạch Đông đang xắn tay lên trồng rau màu "nghịch vụ". Ông chia đất ra gieo trồng các loại rau như: Tần ô, quế, hành lá… Không chỉ việc chăm sóc vất vả hơn ở mùa thuận, tưới nước nhiều là một yếu tố quan trọng. Đặc biệt, phải lựa chọn trồng những loại rau chịu hạn tốt, không tốn quá nhiều nước thì sản xuất mới mang hiệu quả. Trồng rau màu mùa hạn, chi phí cũng tăng so với canh tác thời điểm khác trong năm, nhưng bù lại có giá cao. Như trong vụ rau màu này, hành lá có giá từ 20.000-22.000 đồng/kg, tần ô 10.000-12.000 đồng/kg, quế 15.000-17.000 đồng/kg. Giá rau ở mức cao, trong khi thị trường tiêu thụ lại hút hàng, nên thương lái đến tận nhà để thu mua, ông Của không tốn công và chi phí vận chuyển.

images780707-h-nh-1-1647332048.jpeg
Ảnh minh hoạ

Ông Của sống ở vùng chuyên trồng rau màu của xã, xung quanh ông rất nhiều nông hộ cũng đều xử lý đất để trồng màu nghịch vụ. Bà Lý Kim Sứ, ấp Giồng Giữa B, xã Vĩnh Trạch Đông cũng trồng nhiều loại rau trên diện tích 3.000 m2 rẫy; trong đó, rau tần ô và cà chua đang cho thu hoạch với giá khá tốt, lợi nhuận đủ để người trồng màu dư dả.

Theo kinh nghiệm của nhiều người nông dân trồng rau màu, tuy giá cao nhưng chi phí hiện tại cũng đang leo thang, phân, rơm, hạt giống đều tăng, người trồng rau màu "nghịch vụ" phải am hiểu kỹ thuật cùng kinh nghiệm, thì mới đạt năng suất cao, đảm bảo lợi nhuận. 

Nhiều vùng chuyên canh ở thành phố Bạc Liêu, huyện Phước Long, nghề trồng rau màu là nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình. Năm nay giá rau tăng cao, kéo theo niềm vui được giá thì cũng còn nhiều nỗi lo, ngay cả khi bà con quyết tâm trồng nghịch vụ.

Ông Phạm Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, toàn tỉnh có trên 17.700 ha đất trồng rau màu. Nhiều loại rau màu không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn được xuất bán sang nhiều tỉnh, thành của khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng như: Thành phố Hồ Chí Minh. Năm nay do giá cả tăng, nên diện tích rau màu "nghịch vụ" được mở rộng lên đến gần 5.000ha (tăng 20% so với cùng thời điểm năm 2021).

Nhằm giúp nông dân đạt hiệu quả cao trong sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc phối hợp cùng chính quyền khuyến cao về tình hình thời tiết, thời điểm gieo trồng, dự báo tình hình tiêu thụ, nhu cầu của thị trường đối với các loại rau màu để nông dân lựa chọn sản xuất. Ngành chuyên môn cũng tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn sản xuất cho bà con theo hướng tiết kiệm nước tưới, sản xuất qui trình rau màu an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt là tạo điều kiện để nông dân tham gia vào liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân./.