“Cây xóa đói, giảm nghèo”
Cách thành phố Vinh khoảng 250km về phía Tây Bắc, Huồi Tụ là một xã miền núi khó khăn của huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An). Do nằm ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển nên nơi đây có khí hậu mát mẻ, mây mù bao phủ quanh năm.
Hơn 20 năm trước, đồng bào dân tộc Mông ở xã Huồi Tụ có nếp sống du canh du cư. Người dân thường đốt rừng làm rẫy, trồng ngô, trồng lúa nương lấy lương thực. Tuy nhiên, do địa hình, khí hậu không phù hợp nên năng suất cây ngô, lúa rất thấp. Rừng bị tàn phá, cảnh nghèo đói vẫn đeo bám người dân nơi đây.
Năm 2003, ngay sau khi được thành lập, Tổng đội Thanh niên xung phong 8 - Xây dựng kinh tế Nghệ An (gọi tắt là Tổng đội TNXP 8) đã đưa giống chè Shan tuyết từ tỉnh Hà Giang đưa về trồng tại xã Huồi Tụ và Mường Lống. Vì đây là cây trồng mới, nên ban đầu cây chè này đối mặt với nhiều hoài nghi của người dân địa phương về tính hiệu quả.
Tuy nhiên, nhờ đặc điểm tự nhiên nơi đây có khí hậu mát mẻ nên cây chè sinh trưởng tốt, búp to, cho năng suất cao. Hiện nay, không chỉ ở 2 xã ban đầu, cây chè Shan được trồng rộng rãi ở nhiều nơi của huyện Kỳ Sơn. Trên những cung đường, hướng tầm mắt lên hai bên sườn đồi có thể dễ dàng bắt gặp những nương chè Shan tuyết xanh mướt.
Đang nhanh tay hái những búp chè còn đọng sương mai, ông Dềnh Vả Hùa (SN 1950, trú tại bản Huồi Khả, xã Huồi Tụ) cho biết, cách đây hơn 20 năm, đồng bào dân tộc Mông ở địa phương chỉ biết trồng cây thuốc phiện. Sau khi Nhà nước cấm loại cây này thì bà con chuyển sang trồng ngô, lúa; tuy nhiên năng suất rất thấp, không đủ ăn trong gia đình.
“Gia đình tôi đang trồng hơn 2ha chè trên đồi. Với mức giá thu mua 10.000 đồng/kg, mỗi năm đem lại thu nhập từ 80 - 90 triệu đồng. Hiện trong bản Huồi Khả hầu như gia đình nào cũng trồng chè, nhà ít 2ha, nhà nhiều thì 5 - 7ha. Đối với đồng bào người Mông, không có gì thay thế được cây chè. Nhờ cây chè mà chúng tôi thoát được cái nghèo, cái khổ”, ông Dềnh Vả Hùa chia sẻ thêm.
Đang hái chè cách đó không xa, bà Vừ Y Sềnh (SN 1964, trú bản Huồi Khả, xã Huồi Tụ) chia sẻ, cây chè bình quân mỗi năm cho thu hoạch 3 - 4 lứa, lứa thứ nhất thu hoạch vào cuối tháng 3 đến tháng 4, lứa thu hoạch này cho chất lượng chè tốt nhất. Lứa thứ 2 thu hoạch vào tháng 5, tháng 6, lứa thu hoạch này cho năng suất cao nhất trong năm. Lứa thu hoạch thứ 3 cho thu hoạch vào tháng 8 và lứa thu hoạch thứ 4 cho thu hoạch vào tháng 11.
“Trước đây, do giá chè thấp chỉ khoảng 5.000 đồng/kg chè búp tươi, nhiều hộ có ý định phá bỏ. Thế nhưng, những năm trở lại đây, giá chè ngày một nâng cao, thương lái về thu mua tận nhà nên bà con rất vui, yên tâm sản xuất. Với mức giá 10.000 đồng/kg chè búp tươi, tính ra hơn 1ha chè thu về gần 45 triệu đồng/năm. Đối với đồng bào dân tộc Mông, đây là số tiền lớn, đủ để trang trải cuộc sống gia đình”, người phụ nữ này nói thêm.
Đưa chè thành cây trồng chủ lực
Ông Hạ Bá Lỳ - Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn cho biết, hiện toàn xã đang có trên 400ha chè Shan tuyết; trong đó, hơn 200ha đang cho thu hoạch. Với giá ổn định từ 9.000 - 10.000 đồng/kg chè búp tươi, mỗi ha chè cho thu nhập gần 50 triệu đồng.
“Đối với đồng bào người Mông ở đây, cây chè Shan tuyết đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong thời gian tới, xã Huồi Tụ tiếp tục tuyên truyền vận động người dân mở rộng diện tích, đồng thời, phấn đấu đưa chè Shan tuyết trở thành sản phẩm OCOP trong năm nay”, ông Lỳ chia sẻ.
Vùng chè Shan tuyết ở Kỳ Sơn có được như hôm nay có công sức rất lớn của Tổng đội TNXP 8. Không chỉ mạnh dạn đưa giống cây mới mới vào trồng trên diện tích lớn, đơn vị còn thay đổi tư duy, cách làm nông nghiệp của đồng bào người Mông ở Huồi Tụ. Không dừng lại ở đó, Tổng đội TNXP 8 hiện nay là đơn vị cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc, đồng thời tham gia bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Là 1 trong 2 đơn vị bao tiêu sản phẩm búp chè tươi cho người dân, bà Đặng Thị Hoa - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất chè hữu cơ xã Huồi Tụ cho biết, hiện đơn vị vẫn chưa có dây chuyền chế biến thành phẩm mà chỉ sơ chế rồi bán cho các đơn vị khác. Tuy nhiên, chè Shan tuyết nơi đây được khách hàng đánh giá chất lượng rất cao.
Theo bà Hoa, sau khi chế biến, chè Shan tuyết Huồi Tụ có hình móc câu, khi pha nước trà màu vàng đượm như màu của mật ong chứ không xanh như những loại trà khác. Độ thơm của chè khi pha không khác biệt với nguyên gốc Shan tuyết cổ thụ mọc tự nhiên ở Hà Giang hay Yên Bái. Thậm chí vào chính vụ ở Kỳ Sơn, các búp chè thu hái nơi đây còn to, mập đầy hơn chè cổ thụ Shan tuyết ngoài tự nhiên.
Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, toàn huyện hiện có hơn 600ha chè; trong đó, có 400ha chè Shan tuyết tập trung chủ yếu tại các xã Huồi Tụ, Mường Lống, Na Ngoi… cho thu hoạch đạt gần 1.400 tấn/năm. Nhờ trồng chè mà nhiều người dân địa phương có công việc ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giảm thiểu tệ nạn xã hội.
Hiện, huyện Kỳ Sơn đã thông qua đề án phát triển cây trồng chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, cây chè Shan tuyết là một trong những cây trồng chủ lực của huyện.