Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, quy mô các vụ cháy rừng ở bang California trong giai đoạn 2020-2021 là lớn chưa từng có trong lịch sử hiện đại, với hơn 19.000km2 thảm thực vật rừng bị thiêu rụi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của 508 loài động vật có xương sống.
Có khoảng 58% diện tích rừng bị cháy ở California trong giai đoạn 2012-2021 tập trung vào các năm 2020 và 2021. Trong số đó, tổng diện tích rừng bị cháy mỗi năm gấp ít nhất 10 lần so với mức trung bình lịch sử từ năm 1878-2011.
Trong hai năm 2020 và 2021, cháy rừng đã thiêu trụi ít nhất 10% môi trường sống của 100 loài động vật có xương sống, 16 loài trong số đó cần được bảo tồn để tránh nguy cơ tuyệt chủng.
Đáng chú ý, các đám cháy rừng có mức độ nghiêm trọng cao đã tàn phá 5-14% nơi sinh sống của 100 loài này, dẫn đến khả năng thay đổi to lớn trong cấu trúc môi trường sống.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, với các trận cháy rừng chưa từng có cả về quy mô và mức độ nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, động vật hoang dã trong khu vực không thích nghi kịp với những đám cháy lớn như vậy và phải vật lộn để ứng phó với những thay đổi nhanh chóng trong môi trường sống.
Theo đó, biện pháp quản lý rừng hiệu quả như tỉa thưa cây là cần thiết để hạn chế mức độ nghiêm trọng của cháy rừng, đồng thời tăng sức chống chịu của môi trường sống hoang dã./.