ChatGPT - Một năm thay đổi thế giới

Đúng vào ngày này một năm trước, ChatGPT ra đời đã tạo nên một cú sốc cho những người yêu công nghệ trên toàn thế giới.

Hôm nay, 30/11/2023, đánh dấu 1 năm ngày công cụ ChatGPT của công ty OpenAI ra mắt thế giới. Một năm qua, những câu chuyện liên quan đến chatbot này vẫn chưa bao giờ hết nóng.

ai-1701340566.jpg

Có thể nói, chưa bao giờ thế giới lại được chứng kiến một công cụ chatbot mạnh mẽ như vậy. ChatGPT là một chương trình trí tuệ nhân tạo sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn, có thể trò chuyện với người dùng, giải đáp câu hỏi trong hầu hết các lĩnh vực miễn là có dữ liệu trên mạng, vẽ tranh, sáng tác tiểu thuyết văn học và làm đủ thứ khác trước nay vẫn được xem là đặc quyền của con người. Sự xuất hiện của ChatGPT đã góp phần thay đổi ngành công nghệ thế giới và nhiều lĩnh vực của đời sống trong năm qua.

Ảnh hưởng của ChatGPT lên nhiều lĩnh vực đời sống

Các trường đại học là một trong những nơi cảm nhận rõ nhất tác động của ChatGPT khi các sinh viên sử dụng công cụ này ngày càng nhiều để viết luận văn và hoàn thành các kỳ thi.

Khả năng trả lời chính xác câu hỏi của ChatGPT chỉ với các thao tác đơn giản khiến nhiều giáo viên lo ngại học sinh, sinh viên sẽ sử dụng ChatGP để gian lận. Sciences Po Paris, một trong những trường đại học danh tiếng nhất của Pháp, đã cấm sử dụng "ChatGPT và tất cả các công cụ dựa trên AI khác", đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ ai bị phát hiện sử dụng ChatGPT và các công cụ AI khác "mà không có tham chiếu minh bạch" để tạo ra tác phẩm viết hoặc nói đều có thể bị cho thôi học.

Bà Myriam Dubois-monkachi - Gám đốc phụ trách học thuật, Sciences Po Paris: "Điều này có nghĩa là sinh viên không được phép sử dụng ChatGPT để kiếm điểm. Đơn giản vậy thôi. Và nếu sử dụng trí tuệ nhân tạo này, các em sẽ vi phạm hợp đồng trung thực về trí tuệ vì đó không còn là công việc cá nhân nữa".

Tuy nhiên, Đại học Middlesex ở London, Anh lại cho rằng ChatGPT có thể trở thành đồng minh của sinh viên. ChatGPT có thể là một công cụ tra cứu, giải đáp hiệu quả đối với các câu hỏi phức tạp.

Ông Balbir Barn - Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ, Đại học Middlesex: "Quan trọng là đào tạo sinh viên hiểu cách sử dụng những công cụ này một cách hiệu quả, đồng thời nhận ra những hạn chế của chúng và thực sự biến chúng thành một phần của kho công cụ, thay vì cấm sử dụng".

Ở Đan Mạch, một nhóm 5 trường trung học đã bắt đầu khuyến khích sử dụng ChatGPT ở một số lớp học như một phần của dự án kéo dài hai năm. Học sinh ở đây không còn xa lạ với các chatbot do AI tạo ra, trong đó có ChatGPT.

Trí tuệ nhân tạo cũng là chủ đề nổi bật tại các triển lãm công nghệ lớn nhất thế giới. Tại triển lãm di động toàn cuộc được tổ chức hồi tháng 2 ở Barcelona, Tây Ban Nha, nhiều công ty đã mang đến những sản phẩm thông minh tích hợp công nghệ ChatGPT.

Công ty khởi nghiệp của Mỹ XRAI Glass đã tích hợp ChatGPT vào trong chiếc kính thông minh phục vụ cho những người khiếm thính. Sự tích hợp này giúp họ có thể trải nghiệm cuộc sống tốt hơn, vượt qua các rào cản về giao tiếp.

ba-1701340639.jpg

Ông Dan Scarfe - Giám đốc điều hành XRAI Glass: "Chúng tôi tích hợp ChatGPT trực tiếp vào trong phần mềm điều khiển kính, cho phép người dùng có thể đặt những câu hỏi thường thức hay thậm chí là công thức nấu ăn và đủ thứ khác".

Tại hội nghị công nghệ Web Summit ở Lisbon, Bồ Đào Nha tháng 11 năm nay, AI cũng là chủ đề chính được các nhà khoa học, các doanh nghiệp và người dùng đặc biệt quan tâm.

Tiến sĩ Trần Văn Cảnh - Nhà khoa học dữ liệu, tập đoàn Mercedes Benz: "Các ứng dụng Chatbot đều được xây dựng dựa trên một bộ điều khiển. Các phiên bản sơ khai trước đây thường là tập quy tắc, hoặc một mô hình AI được huấn luyện. Tuy nhiên, do một số hạn chế có sẵn của những giải pháp đó mà khả năng mở rộng phạm vi ứng dụng cùng lúc trên nhiều lĩnh vực là không khả thi. Cho đến khi google công bố mô hình AI dữ liệu lớn có tên gọi là transformer (năm 2017) thì các hạn chế được nêu gần như được giải quyết.

Mô hình này cho phép thực hiện tính toán cùng lúc trên chuỗi đầu vào, tức là cho phép song song quá trình tính toán, mặt khác phát minh về cách thức lượng hóa ý nghĩa của các từ dựa trên ngữ cảnh mà nó xuất hiện trong công bố này đã đem lại độ chính xác rất cao trong xử lý NNTN. OpenAI phát triển ChatGPT dựa trên mô hình transfomer này. Tôi cũng muốn nhấn mạnh ở đây là về mặt kỹ thuật, để huấn luyện được mô hình này cần phải có một hệ thống tính toán rất mạnh, kèm theo đó là quá trình tinh chỉnh mô hình có sự giúp sức của con người".

Tương lai của AI

Nếu tóm tắt lại các tiến bộ của AI mà ChatGPT là một đại biểu thì chúng ta có thể nói ngắn gọn rằng, AI đang ngày càng thông minh hơn và mạnh hơn. Ngày nay OpenAI, công ty tạo ra ChatGPT, đã cung cấp phiên bản mới nhất là Chat GPT-4 mạnh hơn phiên bản cũ. Đây cũng chính là xu hướng phát triển của AI. Chúng ta đang tiến về một thế giới nơi con người và AI cùng chung sống, trong đó AI sẽ hỗ trợ chúng ta trong mọi công việc hàng ngày, thậm chí còn nghiên cứu và học tập cùng với con người.

sv-1701340696.jpg

Một sinh viên AI? Hay thậm chí là một nhà khoa học AI?

Đây đã không còn hình dung về tương lai xa mà đang là công trình nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Purdue, Mỹ. Họ đang đào tạo AI bằng các tương tác thực tế như đụng chạm, trò chuyện, giao tiếp bằng âm thanh và hình ảnh, để huấn luyện AI cách tư duy khoa học.

Giáo sư Eugenio Culurciello - Giám đốc lâm thời Viện Trí tuệ nhân tạo Vật lý, Đại học Purdue: "Mục tiêu của chúng tôi thực sự là tạo ra một nhà khoa học nhân tạo hoặc một sinh viên nhân tạo. Và ý tưởng là chúng tôi có một hệ thống giống như một mô hình lớn trong AI, cho phép nhà khoa học AI có thể hiểu được từ dữ liệu đa phương thức, chẳng hạn như giấy tờ, văn bản, video, từ đó cho phép nhà khoa học AI tự nghĩ ra các thí nghiệm. Chúng tôi rất háo hức về viễn cảnh đó".

Đây chỉ một trong nhiều hướng phát triển AI đang được các tổ chức khoa học nghiên cứu phát triển. Một hướng phát triển khác đang rất triển vọng và được ứng dụng trên phạm vi rộng là tích hợp AI để hỗ trợ con người trong cuộc sống hàng ngày. Các nhà khoa học đã nghĩ đến việc tạo ra phi công AI. Hay đã có công ty bổ nhiệm AI vào làm giám đốc điều hành.

Cuộc đấu tranh về hướng phát triển của AI

Sự phát triển quá nhanh của AI đã khiến chính các nhà sáng tạo ra nó hoảng sợ. OpenAI, công ty đã làm nên ChatGPT, đã chứng kiến cuộc đấu tranh nội bộ để phế truất và sau đó lại tái bổ nhiệm nhà đồng sáng lập Sam Alman, và cũng là bộ mặt của ngành AI toàn cầu.

Giữa tháng 11, OpenAI đã trải qua một tuần hỗn loạn khi Hội đồng quản trị công ty này sa thải nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Sam Alman. Tuy nhiên chỉ sau đó vài ngày, OpenAI lại bổ nhiệm ông Alman vào chính vị trí mà ông đã bị đuổi và ngược lại còn sa thải toàn bộ Hội đồng quản trị cũ, thay bằng một hội đồng quản trị mới.

an-toan-1701340751.jpg

Theo Reuters, nguyên nhân dẫn đến sự kiện này là vì trong nội bộ của OpenAI đã diễn ra cuộc đấu tranh đường hướng phát triển gay gắt, khi xuất hiện các lo ngại rằng OpenAI dưới sự dẫn dắt của Sam Alman đã có bước đột phá trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo tổng quát AGI được gọi là Q sao, còn thông minh và toàn năng hơn cả ChatGPT. Sự thể hiện xuất sắc của Q sao khiến nhiều người lạc quan về tương lai của AI, nhưng số khác lại lo ngại Q sao có thể đe dọa nhân loại. Thêm vào đó, các nhà quản lý của OpenAI cũng từng hết sức lo ngại về việc công ty này quá chạy theo lợi nhuận mà bỏ quên định hướng phát triển vì lợi ích chung của loài người và giảm thiểu các biện pháp bảo vệ an toàn cho người dùng, ngăn ngừa sự phát triển không kiểm soát của AI.

Thế giới nỗ lực kiểm soát AI

Không chỉ giới hạn trong nội bộ OpenAI mà việc định hình đường hướng phát triển của AI đang trở thành vấn đề chung của toàn cầu và đang ngày càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Không phải ngẫu nhiên khi mới đây Merriam-Webster, công ty từ điển nổi tiếng của Mỹ đã công bố từ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2023 trong từ điển tiếng Anh của họ là "authentic" - tạm dịch là "xác thực", xuất phát từ việc từ này đã được rất nhiều người tìm kiếm, khi con người cố gắng phân định đâu là thật và đâu là giả. Sự xuất hiện của các công cụ trí tuệ nhân tạo rất mạnh đã góp phần khiến việc xác định thật giả ngày càng trở nên khó khăn.

Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực đặt ra các tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn trong quá trình phát triển AI, thay vì phó mặc điều này cho các công ty tư nhân vốn thường đặt ưu tiên cao về lợi nhuận.

Ngày 30/10/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp toàn diện đầu tiên về trí tuệ nhân tạo, nhằm tăng cường sự an toàn trước những rủi ro liên quan đến AI. Ông nói: "Sắc lệnh này là hành động mạnh mẽ nhất mà một chính phủ từng thực hiện để đảm bảo an toàn và độ tin cậy của AI. Chúng tôi muốn tập hợp các công ty AI hàng đầu để đưa ra các cam kết về việc đảm bảo AI sẽ là công cụ an toàn và hệ thống của chúng ta được bảo vệ tuyệt đối".

Chỉ vài ngày sau đó, nước Anh đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về trí tuệ nhân tạo AI đã được tổ chức tại Bletchley Park, Vương quốc Anh. Hội nghị đã ra tuyên bố chung khuyến khích sự minh bạch và trách nhiệm từ các bên có ý định phát triển công nghệ AI trong các kế hoạch, để đánh giá, giám sát và giảm thiểu những tác hại có thể xảy ra.