Chào một người bình thường

Khi những dòng này được in ra, Hải có thể đã không còn nữa. Căn bệnh "ung thư gan giai đoạn cuối", được các bác sĩ Bệnh viện Bắc Giang kết luận, có thể sẽ không để cho Hải được đọc bài báo này.
cb5f6856-9c52-4655-834b-70b6776dd631-1647939814.jpg
Nhà máy phân Đạm Bắc Giang mở rộng

Hôm kia, tôi gặp và không tin vào mắt mình nữa: chỉ mới hơn một tháng, Hải, từ một lực sĩ, một tay lái xe hào sảng, dí dỏm, đen chắc, đã trở thành một cục sáp cớm nắng, bạc nhược, bất lực, nằm thượt trên chiếc ghế vải và chỉ còn nặng bằng 2/3 Hải trước đó!

Vợ Hải, một công nhân Công ty Phân đạm - Hóa chất Bắc Giang (Hà Bắc cũ) đã nghỉ hưu với hơn 1 triệu đồng/tháng, lặng lẽ và vô vọng ngồi bên chồng. Hai người bạn gái của cô đang bóp chân, bóp tay cho Hải vì "đau và mỏi quá"- Hải bảo thế. Hải cũng vừa tiêm thuốc giảm đau! Mọi người bảo, việc xạ trị và tiêm hóa chất là vô nghĩa.

Có phải thế không hay là nhà Hải không có tiền? Tôi không biết và cũng không dám hỏi. Con gái lớn đã lấy chồng, con gái nhỏ học tiếng Trung, đang làm ở Từ Sơn. Cậu út vừa đi xuất khẩu lao động, nghe tin bố lâm trọng bệnh, đã bỏ về và đang đứng tựa cửa, mặt mày buồn thảm, xót thương!

Hải, Lê Công Hải, vốn là lái xe của Công ty Phân đạm - Hóa chất Bắc Giang. Thu nhập ngày ấy thấp, Hải xin về hưu sớm để đi lái xe đường dài, chở phân đạm và các hóa chất khác, chủ yếu là ô-xy lỏng, vào các tỉnh và các nhà máy phía Nam.

Những người Hà Bắc xưa và Bắc Giang bây giờ yêu quý Hải không phải vì nghề lái xe. Họ biết và yêu quý anh, vì anh là "Diễn viên tấu hài số zách" trong phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng thời kỳ ấy. Hải đã được nhận rất nhiều huy chương, giải thưởng trong bao liên hoan văn nghệ quần chúng những năm qua. Biết bao người, nhiều năm đã được cười no nê khi xem Hải tấu hài. Lại bao người đi đường xa với Hải đỡ lo, đỡ mệt, đỡ buồn, khi Hải luôn hào phóng mở cửa kho truyện tiếu lâm của anh tặng họ.

Thế mà giờ Hải nằm đó! Vợ con anh buồn khổ, nước mắt lưng tròng, còn Hải thì vẫn "đãi" tôi một chuyện cười: “Anh Lai có biết không? Em có một người bạn lớn tuổi. Ngày trước, anh ấy học Trom-pét ở Nhạc viện Hà Nội rồi về công tác ở Đoàn ca nhạc Hà Bắc. Cuối thời bao cấp, chả ai bụng dạ nào coi ca nhạc, trên điều anh về Đoàn dân ca Quan họ.

Dân ca Quan họ thì chả ai dùng Trom-pét, thế là đoàn cho anh ấy làm hậu đài, tức là lo đèn đóm, phông màn, đạo cụ ấy mà. Anh ấy chán đời, đâm ra hay uống rượu. Một đêm, anh ấy say rượu và trở về khu tập thể. Trăng thì sáng, anh ấy thì khát (Vâng! Việc này thì tôi quá biết!). Ở cái giếng của khu tập thể có một cái gầu.

Giếng rất sâu, dây gầu rất dài. Khốn nỗi, cái gầu tôn thì cứ đêm xuống, là người ta cất đi vì sợ mất trộm, chỉ còn cái dây thừng dài thõng xuống giếng mà thôi. Thế là anh ấy cứ kéo cái thừng lên rồi ngửa cổ, mút từng giọt nước từ đuôi sợi dây thừng. Khốn nỗi, giếng thì sâu, cái thừng còn được mấy giọt nước khi anh ấy kéo lên! Mãi mà không đỡ khát, anh ấy bực, bèn lấy chân đá lia lịa vào thành giếng mà mắng: “Nói cho cùng, mày cũng chỉ là cái giếng thôi nhá! Đã là cái gì mà làm khổ tao?”.

Hải ơi! Sao Hải không đá vào cái lá gan của em mà bảo: “Mày cũng chỉ là một lá gan thôi nhá!...”. Hải cười yếu ớt nhưng hóm hỉnh. Tôi gượng cười mà nước mắt lưng tròng! Hải bảo: “Chuyện thực đấy!”.

Thực ư? Có cái gì thực bằng việc Hải đang nằm đợi chết và vợ con đang quá đỗi xót xa? Rượu trên đường dài hay là việc tiếp xúc lâu ngày với hóa chất đã làm cho Hải thành ra thế này? Giá mà Hải bớt rượu đi! Hải và cả anh bạn Trom-pét của Hải, suốt đời mua vui cho người đời, bây giờ, người thì đã bặt tin, người thì chỉ còn mong các bác sĩ chẩn bệnh sai.

Tôi nhìn lại căn phòng cũ kỹ, bé nhỏ của Hải - phòng số 402, tầng 4, nhà A4, đường Trần Nguyên Hãn, Thành phố Bắc Giang- chợt thấy Hải lớn hơn ngày thường. Trước kia Hải đã làm cho đời vui thêm vì những tiết mục hài của Hải, bây giờ Hải vẫn cố làm vợ con và chúng tôi cười từ trong sự vô vọng của mình.

Hải là một người đàn ông chân chính, Hải ạ! Ước gì Hải kịp đọc những dòng này! Coi như cho mình chào Hải, chào một người bình thường. Nhưng chả nhẽ người bình thường thì không có số phận và không ai viết về họ hay sao?./.

Đỗ Trung Lai