Chăm sóc sức khỏe dự phòng cho người cao tuổi

Người tuổi 70 nếu được chăm sóc sức khỏe tổng thể có thể giảm nguy cơ xuất hiện nhiều bệnh lý. Vậy cách chăm sóc người 70 tuổi như thế nào, cần lưu ý những gì về vấn đề sức khỏe?
ct1-1698898222.jpg
Chăm sóc sức khỏe dự phòng cho người cao tuổi.

Vì sao cần chăm sóc sức khỏe dự phòng cho người trên tuổi 70?

Một số người có quan niệm sai lầm rằng nếu họ vẫn sinh hoạt, lao động tốt thì không cần đến bác sĩ. Tuy nhiên, việc đi khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ lại rất quan trọng để giúp tầm soát nhiều bệnh lý ngay từ giai đoạn đầu hoặc trước khi các bệnh đó xuất hiện. Vì vậy, bạn nên đi khám sức khỏe thường xuyên, ngay cả khi bạn vẫn cảm thấy mình khỏe mạnh. Mục đích của việc đi khám sức khỏe nhằm: Kiểm tra các vấn đề sức khỏe; Đánh giá nguy cơ mắc một số bệnh lý trong tương lai; Nhận tư vấn về một lối sống lành mạnh, khoa học; Cập nhật lịch tiêm phòng vắc-xin.

Việc đi khám sức khỏe định kỳ có thể giúp bạn tránh được những vấn đề xảy ra trong tương lai. Ví dụ, biện pháp duy nhất để biết bạn có bị cao huyết áp hay không chính là kiểm tra huyết áp thường xuyên. Bên cạnh đó, mức cholesterol cao hoặc đường huyết cao thường không gây triệu chứng ở giai đoạn đầu (khiến bạn lầm tưởng là mình vẫn khỏe mạnh) nhưng hoàn toàn có thể phát hiện dễ dàng nhờ xét nghiệm máu. Kiểm tra sức khỏe định kỳ là cách chăm sóc đàn ông trên 70 tuổi rất cần thiết

Hướng dẫn khám sàng lọc cho người trên 70 tuổi

Điều quan trọng nhất trong chăm sóc sức khỏe dự phòng cho người trên 70 tuổi là thực hiện khám sàng lọc thường xuyên: Siêu âm tầm soát phình động mạch chủ bụng: Với người ở độ tuổi 65 - 75 và đã từng hút thuốc; Kiểm tra huyết áp: Ít nhất 2 năm/lần. Nếu huyết áp tâm thu từ 120 - 139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 80 - 89 mmHg thì bạn nên đi kiểm tra huyết áp hằng năm và nhận tư vấn của bác sĩ về các biện pháp làm giảm huyết áp. Nếu bạn bị bệnh tim, tiểu đường, bệnh thận hoặc một số bệnh lý khác thì có thể cần kiểm tra huyết áp thường xuyên hơn, tối thiểu 1 lần/năm;

Kiểm tra cholesterol và bệnh tim mạch: Nếu mức cholesterol của bạn bình thường thì hãy kiểm tra lại ít nhất 5 năm/lần. Nếu bạn bị cholesterol cao, bệnh tim, tiểu đường, bệnh thận hoặc một số bệnh lý khác thì có thể bạn cần được kiểm tra thường xuyên hơn; Tầm soát ung thư đại trực tràng: Một số xét nghiệm cần thiết là: Xét nghiệm máu ẩn trong phân hoặc xét nghiệm hóa miễn dịch trong phân hằng năm, xét nghiệm sDNA-FIT trong phân 1 - 3 năm/lần, nội soi đại tràng sigma 5 năm/lần (hoặc 10 năm/lần với xét nghiệm hóa miễn dịch trong phân hằng năm), chụp CT đại tràng (nội soi đại tràng ảo) 5 năm/lần, nội soi đại tràng 10 năm/lần. Bạn có thể cần nội soi thường xuyên hơn nếu có các yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng như viêm đại tràng, tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ung thư ruột kết hoặc trực tràng, polyp đại tràng,...;

Kiểm tra răng: Bạn nên đi khám và làm sạch răng 1 - 2 lần/năm. Nha sĩ sẽ tư vấn bạn về thời gian tái khám; Tầm soát tiểu đường: Nếu trên 65 tuổi và có sức khỏe tốt, bạn nên tầm soát bệnh tiểu đường 3 năm/lần. Nếu bị thừa cân và có các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tiểu đường thì bác sĩ có thể tư vấn cho bạn về tần suất tái khám dày hơn; Kiểm tra mắt: Bạn nên đi khám mắt 1 - 2 năm/lần. Nếu bị tiểu đường thì bạn nên đi khám mắt tối thiểu 1 lần/năm; Kiểm tra thính lực: Nếu bạn có triệu chứng mất thính lực;

Tầm soát ung thư phổi: Bạn nên tầm soát ung thư phổi hằng năm bằng phương pháp chụp cắt lớp vi tính liều thấp nếu: Trong độ tuổi 50 - 80 tuổi, có tiền sử hút thuốc trong 20 năm và hiện đang hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc chưa được 15 năm; Tầm soát bệnh truyền nhiễm: Viêm gan C, giang mai, HIV, chlamydia,...;

Tầm soát loãng xương: Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ của bệnh loãng xương thì bạn nên đi tầm soát loãng xương. Các yếu tố nguy cơ gồm sử dụng steroid lâu dài, hút thuốc, cân nặng thấp, sử dụng rượu nặng, gãy xương sau 5 tuổi hoặc tiền sử gia đình bị loãng xương. Người tuổi 70 trở lên nên cân nhắc thực hiện đo mật độ xương; Khám sàng lọc bệnh ung thư tuyến tiền liệt;

Kiểm tra da: Người có nguy cơ cao bị ung thư da có thể được đề nghị kiểm tra da. Nguy cơ mắc bệnh cao ở những người từng bị ung thư da, có họ hàng gần bị ung thư da hoặc người bị suy giảm hệ miễn dịch; Kiểm tra toàn trạng: Kiểm tra cân nặng, chiều cao, chỉ số khối cơ thể (BMI). Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ có thể hỏi bạn về các loại thuốc bạn đang sử dụng, thói quen uống rượu và hút thuốc lá của bạn, việc ăn kiêng và tập thể dục, bạn có lo lắng hay phiền muộn không, bạn từng bị té ngã chưa,...

ct-1698898252.jpg
70 tuổi trở lên cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, thăm khám định kỳ.

Tư vấn sức khỏe và tiêm vắc-xin

Khi tìm hiểu về cách chăm sóc người 70 tuổi, bạn còn cần chú ý tới các vấn đề sau: Tư vấn sức khỏe: Về thói quen sử dụng thuốc lá, rượu bia, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tích cực hoạt động thể chất; Tiêm vắc-xin: Tiêm ngừa phế cầu khuẩn, tiêm phòng cúm hằng năm, tiêm nhắc lại bệnh uốn ván - bạch hầu mỗi 10 năm/lần, chủng ngừa bệnh zona,...

Người trên tuổi 70 có thể giảm nguy cơ phát triển nhiều bệnh lý nguy hiểm bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêm đủ liều vắc-xin và tầm soát sức khỏe đúng theo khuyến nghị. Bạn nên thực hiện đúng theo những lời khuyên kể trên để có một sức khỏe tốt và tinh thần minh mẫn. Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tật, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu./.

BS Từ Vân