Liên hoan sinh vật cảnh Thủ đô đang diễn ra từ ngày 25/11 - 5/12 tại khu đô thị Mailand Hanoi (huyện Hoài Đức, Hà Nội) quy tụ hàng nghìn cây cảnh lớn nhỏ từ khắp miền đất nước tề tựu.
Liên hoan sinh vật cảnh Thủ đô năm 2024 có quy mô hơn 10.000m2, thu hút sư tham gia của hơn 300 nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn của nhiều tỉnh, thành phố... Liên hoan cũng quy tụ nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng do các nhà vườn và nghệ nhân của Thủ đô sáng tạo tương tác trong quá trình thực hiện sự kiện.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, sinh vật cảnh có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô "sáng, xanh, sạch, đẹp" và phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững.
Liên hoan hội tụ tác phẩm cây cảnh nghệ thuật cỡ lớn đến từ Bình Định, bonsai tre độc đáo đến từ Câu lạc bộ Bonsai Hà Thành và nhiều tác phẩm bonsai quốc tế từng đạt giải quốc tế.
Những "siêu cây" này còn được coi là những tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị. Ví dụ như tác phẩm “Mộc lan kim cương” của nhà vườn Thi Võ, được tạo tác từ một cây tùng kim cương hàng trăm năm tuổi, có giá trị hơn 3 tỷ đồng. Hay như tác phẩm “Tứ đại đồng đường”, được tạo từ một cây duối cổ thụ cũng có giá ở mức trên 3 tỷ đồng mà chủ nhân vẫn chưa muốn bán.
Với vẻ ngoài đồ sộ và mức giá "khủng", những tác phẩm này thu hút rất nhiều ánh nhìn. Tuy nhiên, nhiều người không trong giới đam mê cây cảnh, không am hiểu thực sự thì sẽ không thể hiểu tại sao những cây này lại có giá trị cao đến vậy.
Lý giải điều này, ông Vương Xuân Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế Văn hóa và Nghệ thuật cho biết - trải qua bề dày lịch sử bao đời nay, giới chơi cây cảnh sẽ có những tiêu chí để đánh giá một cây cảnh có giá trị cao, bao gồm: cổ - kỳ - mỹ - văn; hoặc: cổ - linh - tinh - quái.
Nhưng bộ tiêu chí mới nhất tại Liên hoan sinh vật cảnh Thủ đô 2024 mà giới chơi cây đang dùng lại gồm 7 yếu tố cụ thể hơn đó là: Phô thân (từ gốc đến ngọn không bị lấp, khuất); Khoe dáng: (chuẩn dáng trực, dáng xiêu, dáng hoành, dáng huyền); Lộ căn (cây phải phô lộ được bộ mâm dễ xung quanh, mô phỏng như một cây cổ thụ); Cổ linh (phải là một cây cổ thụ, già nhưng phải có hồn cốt); Tinh tú (sự khác biệt, độc đáo hơn hẳn những cây cùng giống loại khác); Kỹ dăm (kỹ thuật tỉa dăm của người nghệ nhân được phô bày trên tác phẩm); Mịn tàn (cây sau khi qua bàn tay của người nghệ nhân có được tán lá dày mịn, đều màu).
“Sau khi nắm được 7 tiêu chí cơ bản này, một người bình thường hoàn toàn có thể đánh giá được đâu là một cây cảnh đẹp, có giá trị cao”, ông Nguyên khẳng định.
Tuy nhiên, 7 tiêu chí này không hoàn toàn giống như một bộ đo lường giá trị quy đổi thành tiền của cây, mà chỉ giúp người dân hiểu được cơ bản vì sao một cây cảnh lại có giá trị cao hơn hẳn những cây khác.
Tại Liên hoan, bên cạnh khoảng hơn 500 cây cảnh quý hiếm, còn có khoảng 4.500 cây cảnh dễ chơi, có giá khoảng vài chục triệu đồng để người dùng phổ thông có thể dễ dàng tiếp cận.
Hà Nội hiện dẫn đầu cả nước về cả quy mô lẫn giá trị sản xuất sinh vật cảnh, với hơn 8.100ha chuyên canh hoa và cây cảnh, đạt tổng giá trị sản xuất khoảng 7.000 tỷ đồng mỗi năm. Thành phố đã hình thành 47 vùng sản xuất hoa chuyên canh, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Hà Nội cũng có 14 làng nghề hoa, cây cảnh và 36 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, khẳng định vị thế trong lĩnh vực này.
Ngoài việc phục vụ thị trường trong nước, Hà Nội còn xuất khẩu nhiều loại hoa, đặc biệt là hoa lan và hoa hồng, mang lại nguồn thu lớn và định vị nghề trồng hoa là một ngành kinh tế trọng điểm của Thủ đô. Hiện tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang xây dựng Đề án nông nghiệp đô thị, trong đó sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh được ưu tiên phát triển./.