Cây cọ, nét bình dị nơi vùng núi đá Hà Giang

Xã Phương Thiện nằm ở cửa ngõ phía Nam cách thành phố Hà Giang 3 km, một thung lũng nhỏ bao quanh là núi đồi với những tán cọ mướt xanh, những tán cọ làm nên một miền quê để thương, để nhớ.

Từ nhỏ, tôi đã thấy cây cọ và rừng cọ. Hình ảnh cây cọ và rừng cọ đã khắc sâu trong tôi dấu ấn của quê hương. Cọ trải dài, xanh mướt, phủ kín cả một vùng núi đồi quanh bản. Cái giống cây cọ thân hình gai góc với những tàu lá xòe ô luôn hướng về phía trời cao. Có những cây cọ cao vút, cao hàng chục mét, thân cây trơ như thân dừa có tuổi đời hàng trăm năm.

Những tàu lá già được mang về lợp mái nhà, theo thời gian có màu nâu trầm, bền bỉ vượt qua bao nắng mưa đem lại cái mát mẻ cho ngôi nhà. Cái hồi bản tôi chưa biết đến Nông thôn mới, đường xá vẫn chỉ là đường mòn, từng đoàn người kéo lá cọ về làm nhà, nô nức như trẩy hội, kéo cọ đi qua đường sạch bong. Lớn hơn một chút, hình ảnh cây cọ và rừng cọ quê hương lại mang theo những âm thanh trong trẻo của câu hát:

Hương rừng thơm đồi vắng/Nước suối trong thầm thì

Cọ xòe ô che nắng/Râm mát đường em đi…

Ngày ấy, tôi thường theo mẹ lên đồi cọ. Nơi đó có tên gọi theo tiếng Tày là “pác cọ”. Mẹ tôi chặt những lá già, to, gấp xếp từng lá rồi bó chặt lại thành từng gánh, để hôm sau đem ra chợ bán. Mỗi gánh cọ khoảng 50 tàu, nặng chừng 30kg, chỉ bán được 30 đến 50 nghìn đồng.

anh6-161128293080715925155-1694999861.jpg
Cây Cọ trong hồi ức của tôi.

Ngày xưa ấy, nhà tôi chưa có xe đạp, cả những ngày hè nóng bức hay mùa đông lạnh buốt, mẹ phải gánh bộ mang cọ đến chợ, có những hôm trời ngả chiều mới về nhà ăn cơm trưa. Số tiền đó mẹ bảo sẽ dành mua sách vở và quần áo mới cho chúng tôi đi học.

Cành cọ cũng được chẻ, được chuốt để đan thành những chiếc mành cọ, chiếu cọ bởi bàn tay khéo léo. Mành cọ ngăn ruồi muỗi, chiếu cọ cho bé nằm mát trưa hè. Không chỉ vậy, những cành cọ đã khô cũng trở thành củi đốt cho bếp lửa mọi nhà. Bố tôi kể, “ngày xưa, chỉ lấy lá cọ về túm đồ, túm thịt, túm cua, cá hay rau củ quả mang đi chợ, đâu có như bây giờ, cuộc sống hiện đại túi nilon bán đầy trên chợ”.

Không chỉ riêng phần lá hay cành cọ, thân cọ hữu dụng với cuộc sống người dân quê tôi, quả cọ cũng thật ấn tượng. Tôi tin chắc rằng ai sống và lớn lên ở vùng đồi cọ hoặc đã một lần ăn quả cọ sẽ nhớ mãi không quên. Lũ trẻ chúng tôi thường hái quả cọ về om với nước nóng già đợi đến khi nào bóp thấy mềm tay là cọ đã chín.

Những quả cọ vỏ ngoài màu tím than, bóng nhẫy dầu, chỉ cần nhẹ nhàng tách đôi, bỏ hạt, các chủ nhân của rừng cọ đã có phần cùi cọ mềm màu vàng ươm trên đôi tay lem luốc màu mỡ gà bởi những giọt dầu cọ đọng lại để thưởng thức và cảm nhận hương vị bùi thơm, béo ngậy tan trong miệng. Tôi từng được mang quả cọ ra chợ bán, xếp vào mỗi túi vài chục quả, treo lủng lẳng hai bên ghi đông xe đạp, và một rổ buộc sau gác ba ga, mỗi túi cũng chỉ bán được 3 nghìn đồng.

Ấn tượng về cây cọ quê hương trong tôi còn là những lần trời đổ mưa, nhà tôi mái lá đã lâu bị dột, bố tôi lại lên đồi chặt vài tàu cọ về dặm lại, nhìn mái nhà lá khô chen lá ướt trông như chiếc áo vá. Chiếc quạt cắt từ lá cọ mẹ ru tôi ngủ giữa trưa hè. Chiếc chổi cọ quen thuộc chúng tôi vẫn dùng quét sân nhà. Bóng mát cho người nông dân nghỉ ngơi giữa những buổi nắng nôi cấy hái trên đồng.

Ngày nay, cuộc sống đã thay đổi, những ngôi nhà sàn mái cọ quê tôi đã thưa dần, thay vào đó là những căn nhà mái tôn, mái ngói, nhà cao tầng. Qua bao năm tháng, đồi cọ quê tôi vẫn giữ được một màu xanh mướt nhưng không còn bát ngát mênh mông như ngày xưa, bởi cây cọ mang lại hiệu quả kinh tế rất thấp nên một phần đã bị chặt phá để trồng xoan, trồng cây ăn quả.

Tuy không còn nhiều, nhưng cọ vẫn bám mình trên những sườn đồi, vẫn là bóng mát và góp phần phủ xanh đồi trọc, giảm thiểu các tác nhân ô nhiễm môi trường và cân bằng hệ sinh thái. Và trên tất cả, những tán cọ đã làm nên bản sắc làng quê miền núi của tôi. Cọ phủ xanh đồi núi, lá cọ lợp mái nhà nghèo, cành cọ làm hàng rào, thân cọ già làm chuồng trâu…

Những cây cọ mướt xanh luôn khiến người xa quê nhớ về bản quán.

Nguyễn Dịu