“Cùng với điều kiện khí hậu mát mẻ, mưa ít, độ dốc thấp, cây cam sành, cam vinh bắt đầu bén dễ với bà nông dân ở Lương Sơn từ năm 2013. Đến nay, cây cam sành, cam vinh không ngừng mở rộng diện tích canh tác và trở thành thương hiệu của bà con nơi đây”, bà Trịnh Thị Duyên – Trưởng Phòng NN–PTNT huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai mở đầu câu chuyện với phóng viên chúng tôi trên đường về thăm xã Lương Sơn.
Hộ ông Bùi Văn Tuấn, thôn Lương Hải, xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Hiện gia đình ông có hơn 4ha cam vinh, trước đây chủ yếu trồng theo truyền thống, năng xuất, mẫu mã sản phẩm làm ra không đẹp, hiệu quả kinh tế thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh…
Qua những lần được đi tham quan, học hỏi từ các mô hình khác và trực tiếp là Phòng nông nghiệp huyện Bảo Yên, gia đình ông Tuấn đã chuyển sang trồng cam theo hướng công nghệ cao. Ông Tuấn đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, bón phân vi sinh giúp cây phát triển tốt, từ đó không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tiết kiệm được chi phí sản xuất, mà còn tạo ra sản phẩm “sạch”, năng suất cũng tăng lên đáng kể.
Ông Tuấn bảo, việc sản xuất cam theo hướng công nghệ cao đã giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất cũ, nắm bắt được kỹ thuật mới, kiểm soát được lượng phân bón, thuốc trừ sâu, đảm bảo theo tiêu chuẩn sản xuất táo "sạch", vì vậy năng suất và chất lượng tăng khoảng 15 - 20% so với sản xuất truyền thống.
“Trồng cam trên đồi quan trọng nhất là đảm bảo nước tưới, tiêu úng vào mùa mưa, bằng việc làm luống, đào rãnh xung quanh. Phân bón thích hợp cho cây cam là các loại phân chuồng, phân vi sinh với chu kỳ bón cách nhau từ 25 - 30 ngày/lần. Cần tăng cường dinh dưỡng cho cây cam vào thời kỳ ra hoa và đậu quả, chú ý phòng bệnh cho cây, nhất là vào mùa hè”, ông Tuấn kể.
Đến thăm mô hình trồng cam sành của gia đình ông Bùi Văn Đức, thôn Lương Hải (xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) trên một quả đồi với những cành sai quả nhìn rất thích mắt.
Ông Đức chia sẻ, ông học tập kinh nghiệm trồng cam sành qua việc thường xuyên xem các bản tin thời sự và bản tin khuyến nông để áp dụng tiến bộ kỹ thuật trồng cây có múi. Ngoài ra, được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về phòng trị chăm sóc cây có múi do các phòng ban chuyên môn của Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Yên và xã Lương Sơn tổ chức. Hiện vườn cam của gia đình ông mỗi năm tung ra thị trường khoảng 8 tấn cam với giá bán 18.000 đồng/kg.
Mô hình trồng cam sành của ông Đức được đánh giá là một trong những mô hình trồng cam hiệu quả trên địa bàn xã Lương Sơn và là nơi để bà con nông dân xung quanh đến tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình canh tác.
Xã Lương Sơn (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) hiện có hơn 10ha cam được trồng các thôn thôn Phia, thôn Lương Hải. Các giống cam được trồng chủ yếu là: Cam Vinh, cam sành với giá bán từ 10 – 15 nghìn đồng/kg đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã.
Đặc biệt, địa phương đã hỗ trợ bà con các dân tộc trên địa bàn xã mở rộng diện tích, đưa cam trở thành cây trồng mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Bà Nguyễn Vân Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cho biết, để cây cam sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất ổn định, địa phương đã cử cán bộ khuyến nông viên của xã xuống các thôn bản có trồng cây cam trực tiếp hướng dẫn bà con cách làm cỏ, chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh để cây cam sinh trưởng, phát triển tốt. Đồng thời khuyến khích các hộ nông dân áp dụng quy trình sản xuất an toàn, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm.
"Xưa kia đời sống của bà con các dân tộc ở xã Lương Sơn gặp không ít khó khăn. Từ khi có cây cam đã giúp vùng quê nghèo này trở nên giàu có, người dân Lương Sơn đổi đời. Những ngôi nhà xây cả tỷ đồng từ cam cứ nối tiếp mọc lên. Thôn Phia, thôn Lương Hải trở nên trù phú, sầm uất hơn những năm trước nhiều rồi!", bà Hạnh phấn khởi nói.