Nhà Văn Hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ kể thời bao cấp mọi mặt hàng từ xà phòng, que diêm. Cho đến nhu yếu phẩm hàng ngày như: gạo, mắm, muối thịt, cá đều phải mua bằng tem phiếu ngoài tiệm tạp hóa. Nhưng với định mức rất ít. Theo ông tất cả những loại tem phiếu này chỉ có giá trị trong tháng, hàng lại khan hiếm nên mọi người tranh nhau đi mua. Vì vậy các hàng thực phẩm luôn bị quá tải. Có người chờ đến phiên mình lại hết hàng. Nên mới có chuyện mậu dịch 6h mới mở cửa mà người dân rồng rắn đi từ 2-3h sáng. Dùng hòn gạch, lồng gà, dép nhựa giữ chỗ. Người dân đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán chỉ vì chuyện xếp hàng.
Năm lên 10 tuổi, 2h sáng tôi cùng cha đi mua thực phẩm giáp Tết. Trời mưa phùn gió bấc rét căm, tôi mặc chiếc áo len mỏng sờn rách ngồi phía sau xe đạp. Hai hàm răng va vào nhau. Đến nơi trời vẫn tối om, ánh đèn đường hiu hắt. Nhưng đã thấy tiếng người đứng trò chuyện huyên náo cả một góc phố. Một người phụ nữ tay xách cái lồng gà xếp hàng, lúc sau bà bỏ ra ngoài đi vệ sinh.
Trước khi đi bà đặt lồng gà vào giữ chỗ. Nhưng khi quay lại bà thấy lồng gà bị vứt lăn lóc ra ngoài. Nơi mình đánh dấu đã có người khác đứng. Bà đến đòi không ai chịu nhường quay ra xô xát, cào nhau đến chảy máu. Mọi người phải can ngăn mãi mới thôi. Việc như vậy ở thời bao cấp xảy ra như cơm bữa - ông Vỹ nhớ lại.
Ông Vỹ cho hay “ngày đó tiêu chuẩn mỗi người chỉ được vài lạng thịt cho cả tháng vì thế lúc nào cũng thèm thịt”. Việc ăn một miếng thịt là điều xa xỉ với bất cứ đứa trẻ nào. Bởi bữa cơm hàng ngày chỉ toàn khoai mì, sắn độn hạt bo bo hoăc ngô răng ngựa (loại ngô cứng như đá). Để dành cả tháng được ít tem phiếu mua thịt ăn Tết.
Tôi cùng cha đi mua, xếp hàng từ sáng sớm tới chiều tối thì được quầy nhận tin hết thịt. Phải đợi vài hôm nữa mới có. Hai cha con định quay về. Thấy tôi buồn bã thương con cha tôi gặp em vợ làm trưởng phòng thực phẩm kêu khóc. Kết quả hai cha con được đôi chân trâu mang về. Mà chân trâu thì không thể ăn nổi chỉ mang đi nấu keo thôi. Ông Vỹ vui vẻ kể lại về chuyện mua thịt thời Tết bao cấp.
Thời đó, ai có người làm ở cửa hàng lương thực, thực phẩm thì quý lắm. Vì mua gì cũng được ưu tiên để dành cho đồ mới tươi ngon. Tuy nhiên đây là nỗi khổ không ai thấu của các nhân viên cửa hàng mậu dịch. Có năm cận Tết cháy hàng thực phẩm, cậu của ông nhiều lần tìm cách trốn khỏi nơi làm việc. Vì sợ người thân đến nhờ vả không giúp được thì mang tiếng. Chen chúc như vậy nên tình trạng mất cắp đồ cũng hay xảy ra. Do sống bằng tem phiếu nên tem phiếu đc ví như vàng ngọc bọc cẩn thận trong chiếc khăn tay. Nhiều người cất kỹ nhưng xếp hàng quay ra quay vào đã thấy tem phiếu không cánh mà bay.
Giờ đây cuộc sống hiện đại, Tết nhà nào cũng có mâm cao cỗ đầy vật chất dư thừa. Cảm giác sung sướng mong chờ ngày Tết như vậy cũng mai một dần. Vào 26 tháng chạp không khí mua sắm rất náo nhiệt. Tại khu vực quầy bán bánh chưng có người đàn ông mặc bộ quần áo công nhân bạc phếch đi chiếc xe đạp cũ chở theo cành đảo nhỏ. Bác dựng xe bên cột điện vào bên trong đổi tem phiếu. Hơn tiếng sau bác hớt hải chạy ra mặt tái nhợt ráo rác tìm xung quanh. Vừa tìm bác vừa đưa tay quệt nước mắt lăn dài trên gò má đen sạm.
Dù khó khăn thiếu thốn nhưng ngày Tết vẫn là câu chuyện trọng đại trong năm. Từ già đến trẻ, trai gái đều háo hức mong chờ Tết đến được ăn đồ ngon. Nhiều năm qua đi nhưng đến giờ ông Vỹ vẫn nhớ như in cảm giác mong đợi Tết khi còn bé. Tết vui nhất là những ngày chuẩn bị mua sắm.
Dù phải xếp hàng từ sáng sớm chen chúc nhau chỉ để mua được hộp mứt thập cẩm, vài lạng đậu xanh để gói bánh chưng, vài lạng thịt, ít mì chính, măng khô. Nhưng từng đó thôi cũng đủ để mọi người háo hức. Trẻ con thì mong chờ được may áo mới, được ăn chiếc kẹo đường, bánh quy gai mà cả năm mới được thưởng thức.
Có người bảo thời bao cấp quanh năm là lo toan vất vả chỉ ba ngày Tết là sung túc. Thế nhưng khi quá khứ đã ở lại sau lưng, trong tâm trí nhiều người bất chợt trào dâng nỗi nhớ về kỷ niệm của một thời gian khó lại ùa về. Trong vô số sự kiện gây sung sướng thời bao cấp thì Tết là sự kiện sung sướng hơn cả.
Nhà tôi cứ đến ngày ông công táo lên chầu trời thế nào mẹ cũng háo hức hỏi bố về câu chuyện ngày Tết năm nay được phân bao nhiêu cân thịt. Ngày thường theo chế độ tem phiếu mỗi cán bộ công nhân được phân 3 lạng thịt 1 tháng. Tết đến ngoài chế độ cao hơn 5 lạng 1 khẩu thì hầu như cơ quan nào cũng mổ lợn chia cho cán bộ. Cơ quan bố tôi dịp Tết cho đến 5 - 7 kg thịt có năm còn tới 15 kg. Năm đó quê ngoại tôi cho thêm mấy con gà thế là nhà tôi ăn Tết to.
Khi Tết đến, nỗi lo lắng chiếm nhiều thời gian của các gia đình nhất là nồi bánh chưng. Nhà tôi hay gói bánh chưng vào 27 Tết. Mỗi lần đến ngày này tôi lại lăng xăng trải chiếu, đặt mâm, chọn trong đống lá dong vài chiếc lá để tự gói cho mình chiếc bánh. Lúc đậu đã đồ xong, thịt đã ngấm đủ hành, mắm, hạt tiêu, gạo sẵn sàng trong giá là lúc cả nhà bắt đầu sản xuất. Bố tôi gói bánh rất nhanh, vuông và chặt tay. Đến khoảng 5h chiều bố cho bánh vào nồi nới rộng mấy ống đầu rau nhét vào những thanh củi to như ống chân rồi khai hỏa. Có lần vừa châm lửa bố vừa vui vẻ hát Nổi lửa lên em khiến chúng tôi cười ngặt nghẽo.
Tôi vẫn nhớ hình ảnh bánh chưng được luộc từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau ngày Tết xưa. Bố bảo ít nhất phải luộc đủ 12 tiếng mới dền và không bị lại gạo. Đêm luộc bánh chưng chị em tôi thức đến 2-3h sáng rồi ngủ ngay trên chiếc chiếu trong bếp.
Cũng có năm nhà tôi và chú thím hàng xóm luộc bánh chung. Gọi là chú thím nhưng không có quan hệ họ hàng gì. Do năm đó, người tứ xứ đổ về Hà Nội nhiều nhưng chất làng xã còn rất đậm nên vẫn gọi nhau như người trong gia đình. Mỗi khi nhà ai có việc gì là hàng xóm giúp. Khi luộc bánh chung phải dùng sợi lạt đánh dấu để tránh nhầm. Bởi mỗi nhà gói bánh theo một chất lượng khác nhau. Bánh nhà nào có nhiều thịt đậu được coi là niềm tự hào của gia chủ. Vì nó chứng minh cho sự khá giả.
Ngày thường trẻ con chúng tôi chỉ quanh quẩn với kẹo lạc, kẹo vừng, chè lam, kẹo bột. Tết đến thứ bánh không thể thiếu là quy gai xốp. Thực ra bánh quy gai và quy xốp là 2 loại khác nhau. Nhưng vì thường xuất hiện cạnh nhau nên người ta quen gọi là bánh quy gai xốp. Bánh quy gai trông như chiếc đũa cả dài chừng 6m rộng 2cm. Mặt bánh có những hàng gai đâm lên tua tủa. Còn bánh quy xốp có nhiều hình thù khác nhau nhưng cùng làm từ cùng chất liệu trứng, đường, bột mì như quy gai.
Thường thì trước Tết khoảng 15 ngày, mấy mẹ con tôi rồng rắn mang nguyên liệu ra tiệm bánh của hợp tác xã để đó để. Hôm sau thì ra lấy bánh về. Nhưng nhiều ng khác cẩn thận hơn, họ chờ làm xong thì lấy luôn. Có thể do người ta nghe nơi này nơi kia bị làm nhầm bột hoặc thiếu đi ít đường trứng nên các bà nội trợ áp dụng phương châm cẩn tắc vô áy náy. Bánh mang về rồi mẹ tôi lấy giấy báo ủ kỹ cho vào những chiếc thùng tôn đựng gạo. Mẹ bảo như thế bánh mới được giòn.
Đến ngày 30 Tết khi nhà cửa đã được quét dọn bày biện tươm tất lúc đó quy gai xốp mới đc cho vào những chiếc đĩa xinh xinh trên bàn. Mẹ bảo ăn bánh vào lúc giao thừa mới ngon. Nhưng chị em tôi đã xơi trộm ngay từ khi mang về. Mùng 1 Tết nếu có trẻ con trong nhà sang nhà sang chơi ngoài 5 xu 1 hào mừng tuổi thế nào bố mẹ tôi cũng đưa kèm thêm dăm ba chiếc quy gai xốp. Dù trong mớ bánh có những chiếc nướng quá lửa cháy đen cả cạnh nhưng ăn sao vẫn thấy ngon thế thơm thế.
Mỗi năm Tết về là chị em tôi lại tất bật với quần áo, giày dép. Theo tiêu chuẩn bố và bà nội tôi được 10m vải xanh chéo 1 năm. Mẹ thường dùng vải này may quần áo cho chúng tôi đi học. Còn đến Tết mẹ thường mua vải ngoài thị trường mịn và đep hơn để may cho chị em tôi những bộ đồ mới. Sau năm 1980 bố hay phải đi công tác miền nam nên Tết đến 2 chị em còn được mua tặng quần bò Levis, dép Sapo.
Cả nhà háo hức trong bữa cơm chiều 30. Đợi đúng 12 giờ, chị em tôi xem mẹ cúng giao thừa và nóng lòng chờ bố về xông đất. Khi đã lớn hơn có năm giao thừa tôi đi chơi cùng đám bạn. Ngày đó quán xá Hà Nội rất ít nên mọi cuộc đi chơi đều dẫn đến hồ Gươm. Tại đây, chúng tôi chụp ảnh rồi làm vài con mực với món tương ớt cay xé lưỡi.
Mồng 1 Tết chị em tôi dậy từ rất sớm để nhận tiền mừng tuổi từ bố mẹ và chờ khách tới. Tuy nhiên khi có khách chúng tôi biết ý đi chỗ khác chơi. Chỉ lúc các cô chú gọi mới bẽn lẽn lại gần dù đã như mở cờ trong bụng. Hết 3 ngày Tết mọi thứ nhanh chóng quay trở lại về câu chuyện thường ngày vất vả. Người lớn đi làm, trẻ con đi học, ra đường lại thấy quần xanh chéo, xe đạp, cập lồng tung tăng khắp phố. Tất cả lại cần mẫn trong suốt 1 năm để đón cái Tết năm sau với bánh chưng, thịt mỡ dưa hành, thứ quà Tết quy gai xốp theo tiêu chuẩn nhà nước.
Năm 1986 năm đầu tiên chấm dứt thời kỳ bao cấp, dường như có không ít người bỡ ngỡ. Mấy chục năm ăn có nhà nước lo, Tết có nhà nước chu cấp đã trở thành thói quen không dễ gì từ bỏ ngay được. Thế nhưng sự chống chếnh ấy cũng nhanh chóng qua đi. Giờ đây nếu nói tới hình ảnh xếp hàng từ nửa đêm sắm đồ ngày Tết thời bao cấp xưa hẳn nhiều người sẽ thấy rất khôi hài. Tất cả những câu chuyện đó đã trở thành quá vãn thành kỉ niệm mang nhiều sắc thái chua xót lẫn ngọt ngào mừng vui hòa tiếc nuối./.