Cát nhân tạo là giải pháp bền vững cho ngành xây dựng tăng trưởng xanh

Do nhu cầu nguyên liệu cát cho các công trình hạ tầng ngày càng tăng khiến nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt. Hiện nay, thị trường vật liệu xây dựng có những sản phẩm cát nhân tạo được tái chế từ hoạt động khai thác khoáng sản có những ưu điểm vượt trội và đặc biệt góp phần bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh.
hoi-thao-cat-nhan-tao-01-1714266541.jpg
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đại diện các nhà thầu, chủ đầu tư, các chuyên gia đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng.

Nguồn cát tự nhiên khan hiếm gây kho khăn cho các dự án xây dựng

Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo công nghệ sản xuất cát nhân tạo - giải pháp thay thế cát tự nhiên, từ đó đưa ra nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng và công nghệ mới trong ứng dụng sản xuất cát nhân tạo phục vụ cho ngành xây dựng.

Thực tế cho thấy, hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng đang phát triển nhanh đã tác động rất lớn đến nguồn cung vật liệu xây dựng, trong đó có cát. Các dự án xây dựng vẫn đang chủ yếu sử dụng nguồn cát tự nhiên khai thác từ các lòng sông, mỏ cát tự nhiên,… đã tác động không nhỏ đến môi trường sinh thái, gây sạt lở bờ sông kéo theo cả nạn “cát tặc” gây mất an ninh trật tự... Trước thực trạng này, việc nghiên cứu sản xuất cát nghiền nhân tạo bước đầu thay thế cát tự nhiên được xem là nhu cầu cấp bách.

hoi-thao-cat-nhan-tao-02-1714266528.jpg
Nhiều giải pháp thay thế cát tự nhiên đã được đưa ra, trong đó có phát triển sản xuất cát nhân tạo với công nghệ tiên tiến, dùng cho bê tông mác cao. (Ảnh minh họa)

Ông Lương Văn Hùng, Vụ vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) nêu thực tế, hiện nay nguồn cung cát tự nhiên của nước ta chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của các công trình, dự án xây dựng. Nhu cầu sử dụng cát cho xây dựng ở Việt Nam đang ngày càng tăng, trong khi nguồn cát tự nhiên đáp ứng cho nhu cầu lại ngày càng hạn chế.

“Nguồn cát tự nhiên khan hiếm đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ cũng như chất lượng của nhiều công trình xây dựng trong nước. Khai thác cát tự nhiên cực kỳ khó khăn, vận chuyển cát tự nhiên chịu nhiều chi phí khiến giá thành của các công trình xây dựng đang bị đội lên. Một số công trình hiện nay đang thiếu nghiêm trọng nguồn cung cát dẫn đến chậm, giãn tiến độ. Việc kéo dài thời gian thi công các công trình càng chi phí tăng cao, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội”, ông Hùng đề cập.

Giải pháp cát nghiền giúp xanh hóa ngành xây dựng

Cũng theo ông Hùng, thời gian qua nhà nước luôn cố gắng làm cầu nối giữa các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ cát nghiền thay thế cát tự nhiên. Các cơ quan quản lý cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách cho đầu tư, nghiên cứu sản xuất vật liệu thay thế cát tự nhiên, trong đó có xây dựng những cơ chế danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật để làm căn cứ ứng dụng trong thực tế, các cơ quan ban ngành có liên quan cũng đã xây dựng chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư sản xuất cát nghiền và một số vật liệu khác thay thế cát tự nhiên.

Từ đó, nhiều giải pháp thay thế cát tự nhiên đã được đưa ra, trong đó có phát triển sản xuất cát nhân tạo với công nghệ tiên tiến, dùng cho bê tông mác cao với các tiêu chuẩn chất lượng phụ gia đòi hỏi phải đạt mức chuẩn quốc tế. Cát nhân tạo loại bỏ được nhiều tạp chất có hại, tránh gây hậu quả tiêu cực cho bê tông, nguyên liệu lại có thể dễ dàng được tận thu, chế biến từ quá trình lọc, rửa, phân ly tại các mỏ đá, sỏi, cuội sông hay rác phế thải xây dựng, công nghiệp và khoáng sản.

hoi-thao-cat-nhan-tao-03-1714266657.jpg
Cát nhân tạo có tính ứng dụng cao, sử dụng phù hợp cho nhiều kết cấu công trình xây dựng. (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia chia sẻ, ngày nay, việc phát triển sản xuất cát nhân tạo với công nghệ tiên tiến, dùng cho bê tông mác cao (có phân loại cát modul thô và tinh) với các tiêu chuẩn chất lượng phụ gia đòi hỏi phải đạt mức chuẩn quốc tế.

Cát nhân tạo được sản xuất từ các nguồn gốc nêu trên sẽ có hiệu quả lớn hơn rất nhiều so với khai thác cát lòng sông. Cát nhân tạo hình dạng kết cấu góc cạnh hạt tròn, khối, cấp độ liên tục, modul mịn tăng khả năng làm việc, độ kết dính và độ bền của bê tông. Tỷ lệ % cỡ hạt trong khoảng150 micron - 600 micron cao, hạn chế lượng hạt mạt.

Cát nhân tạo có tính ứng dụng cao, sử dụng phù hợp cho tất cả các loại bê tông từ thông thường cho đến bê tông chất lượng cao; bên tông dự ứng lực; bê tông tự lèn; đầm lăn; UHPC, Asphalts… Ngoài ra còn là nguyên liệu sản xuất gạch không nung (gạch bê tông), gạch lát vỉa hè, sân bãi và sản xuất vữa xây, trát.

Từ thực tế ứng dụng công nghệ sản xuất (nghiền và rửa) cát nhân tạo, ông Nguyễn Xuân Hoàng, đại diện Công ty Nguyễn Vinh cho biết, cát nghiền nhân tạo có thể dễ dàng phối trộn và tương thích với các loại vật liệu khác, giúp tối ưu cấp phối tạo ra loại bê tông đặc chắc, không có lỗ rỗng.

Bê tông sử dụng cát nghiền có cường độ nén và uốn rất cao, chịu mài mòn tốt, khả năng chống thấm, chống xâm thực hiệu quả và bền vững, ổn định với môi trường. Vật liệu cát nghiền nhân tạo giúp đẩy nhanh tiến độ thi công và đảm bảo tuổi thọ lâu dài của công trình, cho phép tiết kiệm đáng kể lượng xi măng và các chất kết dính dẫn đến tiết kiệm chi phí trong quá trình đầu tư./.

Tại Việt Nam, trong định hướng phát triển vật liệu xây dựng, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XXI, đã có chủ trương phát triển vật liệu cát nhân tạo để thay thế cát tự nhiên, cũng như nâng cao chất lượng cốt liệu bê tông.

Năm 2008, tại Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, Thủ tướng yêu cầu: Phát triển sản xuất cát nghiền với công nghệ tiên tiến, công suất từ 50.000 m3/năm trở lên để thay thế cát tự nhiên sử dụng cho bê tông.

Tiếp đó, năm 2014, tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục: Khuyến khích các cơ sở khai thác, sản xuất đá phối hợp đầu tư hoặc liên kết với cơ sở sản xuất cát nghiền… nhằm tận dụng nguyên liệu, giảm ô nhiễm môi trường, tăng nguồn vật liệu xây không nung ở địa phương...

Bình Châu