Luồng gió mới đột phá phát triển khoa học, công nghệ trong nông nghiệp

Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị về đầu tư, thúc đẩy khoa học công nghệ, ngày 16/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức tọa đàm "Nghiên cứu khoa học: Đổi mới tư duy, sáng tạo để bứt phá".
3848-6073602653474111494-181640-27-184843-1737073678.jpg
Toàn cảnh tọa đàm "Nghiên cứu khoa học: Đổi mới tư duy, sáng tạo để bứt phá" nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 57/NQ-TW. (Ảnh: VGP)

Theo số liệu thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong 10 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, khoa học công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi...

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới như: Năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN (gấp 1,5 lần Thái Lan), cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil), năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Ấn Độ), cá tra với năng suất 500 tấn/ha cũng cao nhất thế giới...

Trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp phải đối mặt với những khó khăn thách thức từ tác động của giá vật tư đầu vào và giá lương thực, thực phẩm tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng; dịch bệnh trên người, cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đặc biệt là thị trường trong nước; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn luôn là nguy cơ tiềm ẩn...

Để biến thách thức thành cơ hội, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều các định hướng chiến lược, chính sách để tăng cường đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, trong đó Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024, nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nghị quyết cũng nêu 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đánh giá về Nghị quyết 57, tại Tọa đàm, ông Trần Văn Cao - Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam đánh giá, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về "Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" là một luồng gió mới, mang đến động lực mạnh mẽ cho các nhà khoa học và các tổ chức khoa học công nghệ.

Không chỉ cởi trói cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học công nghệ, nâng mức đầu tư công cho nghiên cứu khoa học công nghệ, Nghị quyết 57 cho phép các viện trường thành lập doanh nghiệp. Như vậy, tác giả của giống cây trồng, công nghệ, hoặc các viện, trường có thể trực tiếp thành lập doanh nghiệp, áp dụng cơ chế thị trường để chuyển giao sản phẩm mà không gặp phải rào cản.

48-1737073678.jpg
Ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. (Ảnh minh họa)

Còn theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng đánh giá, Nghị quyết 57-NQ/TW là luồng gió mới với khoa học công nghệ. Viện rất hào hứng chờ đón việc thực thi nghị quyết. Ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, hiện không gian phát triển nông nghiệp đã giới hạn, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng cao, kết quả sản xuất của ngành chỉ còn trông chờ và khoa học công nghệ. Nếu không có khoa học công nghệ, ngành không có lực lượng sản xuất mới.

Đánh giá cao những đóng góp của các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, thời gian qua đội ngũ các nhà khoa học đã có những sản phẩm đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn cuộc sống.

Ví dụ, trong lĩnh vực giống cây trồng, các nhà khoa học đã tạo ra những giống mới, không chỉ cho năng suất cao, mà còn có khả năng chống chịu tốt trước biến đổi khí hậu, dịch bệnh; trong thủy sản, công nghệ nuôi trồng hiện đại giúp giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Về chăn nuôi, thú y, các viện nghiên cứu đã phát triển nhiều công nghệ sinh học trong việc cải tiến giống vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh và nâng cao chất lượng dinh dưỡng của sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Với lâm nghiệp, các nhà khoa học đã nghiên cứu và triển khai thành công các phương pháp canh tác rừng bền vững, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo sinh kế cho bà con...

Tuy nhiên, để khoa học nông nghiệp tiếp tục tạo nên những bước đột phá, đưa Việt Nam từ một quốc gia xuất khẩu nguyên liệu thô trở thành một trung tâm sản xuất nông sản giá trị cao và bền vững Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, các cơ sở đào tạo và lãnh đạo các viện nghiên cứu cần đổi mới tư duy, tạo ra những không gian sáng tạo để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đồng bộ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, khoa học công nghệ cần chạm đến cuộc sống con người, khi nghiên cứu cần nghĩ đến nông dân, doanh nghiệp cần gì để từ đó định hướng nghiên cứu. Trong điều kiện hạn chế về cơ sở vật chất, hạn chế về nguồn lực, các cơ sở đào tạo, viện cần có sự hợp tác, chia sẻ cùng nhau để hợp tác, phát triển./.

Hương Lan