Cần Thơ thí điểm thu gom và tái chế rác thải nhựa bằng bẫy rác trị giá 2,86 tỷ đồng

Dự án “Thí điểm cải thiện việc thu gom rác thải nhựa đại dương bằng bẫy rác và thiết lập hệ thống tái chế tại Cần Thơ” do Hà Lan tài trợ, trị giá 122.000 USD (tương đương 2,86 tỷ đồng). Nội dung gồm: triển khai thiết bị vớt rác thụ động, thiết kế một chương trình tái chế với sự tham gia của cộng đồng địa phương.

Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ vừa có quyết định phê duyệt khoản viện trợ phi dự án “Thí điểm cải thiện việc thu gom rác thải nhựa đại dương bằng bẫy rác và thiết lập hệ thống tái chế địa phương tại Cần Thơ” do Tổ chức Recycled Island Foundation - Clear Rivers của Hà Lan tài trợ.

thu-gom-tai-che-rac-01-1716870068.jpg
Sàlan thu gom rác trên sông của Tổ chức The Ocean Cleanup của Hà Lan, hoạt động trên sông Cần Thơ. (Ảnh TTXVN)

Cụ thể, khoản viện trợ của Clear Rivers trị giá 122.000 USD được dùng để triển khai thiết bị vớt rác thụ động, thiết kế một chương trình tái chế với sự tham gia của cộng đồng địa phương. Qua đó, tìm ra cách tiếp cận lâu bền và hiệu quả đối với rác thải nhựa; góp phần cải thiện hệ thống thu gom và quản lý rác thải nhựa ở Cần Thơ. Địa điểm thực hiện trên rạch Cái Khế, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, từ tháng 5/2024 đến 6/2025.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung đề xuất, sự phù hợp với quy định của pháp luật về hồ sơ khoản viện trợ; phối hợp với Tổ chức Recycled Island Foundation - Clear Rivers và cơ quan, đơn vị có liên quan phân bổ khoản viện trợ theo đúng quy định, hiệu quả…

Trước đó, tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ giới thiệu về mô hình, đại diện Tổ chức Recycled Island Foundation - Clear Rivers, cho biết hệ thống thu gom rác thải trên sông bao gồm: một cỗ máy Litter Traps (bẫy bắt rác) vận hành tự động không tốn nhiên liệu, theo cơ chế hút rác trôi nổi trên sông vào túi đựng. Litter Traps dài 5,6m, rộng 2,3m và cao 2,4m. Mỗi tuần, nhân viên của Tổ chức Recycled Island Foundation - Clear Rivers sẽ dọn dẹp bẫy 2 lần, ước tính sẽ thu được khoảng 8 khối chất thải nhựa. Lượng chất thải nhựa này sẽ được tái sử dụng bền vững theo đúng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Các sản phẩm tái sử dụng từ rác thải nhựa trôi nổi trên sông được Tổ chức Recycled Island Foundation-Clear Rivers chế tạo thành công như công viên nổi, đồ nội thất, vật liệu xây dựng...

thu-gom-tai-che-rac-02-1716870052.jpg
Mỗi tháng sà lan có thể thu gom 10 tấn rác thải trên sông Cần Thơ. (Ảnh TTXVN)

Vào tháng 4/2022, Tổ chức Làm sạch biển của Hà Lan (The Ocean Cleanup) cũng đã bàn giao cho thành phố Cần Thơ sà lan thu gom rác tự động trên sông (Interceptor 003) do tổ chức này sáng chế. Hệ thống này vận hành bằng năng lượng mặt trời, là cỗ máy có thể tự động thu gom rác nổi bề mặt sông. Sà lan dài gần 25m, bề ngang hơn 8m, cao trên 4m, tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng; trong đó, phía Hà Lan tài trợ 14,6 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương.

Mỗi tháng, sà lan tự động gom hơn 10 tấn rác nổi trên sông Cần Thơ. Hệ thống gom rác tự động được triển khai nhằm cải thiện môi trường, mỹ quan sông Cần Thơ, phù hợp với định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường của địa phương; đồng thời, góp phần quảng bá du lịch sông nước của thành phố./.

Bình Nguyên