Các dự án hạ tầng nông nghiệp được chú trọng, thu hút nguồn đầu tư
Theo TS. Nguyễn Trọng Uyên, là trung tâm kinh tế, khoa học, công nghệ và đào tạo của vùng ĐBSCL và cũng là địa phương nhận được nhiều chính sách ưu đãi và định hướng của trung ương, tuy nhiên việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố.
Theo quy hoạch, thời kỳ 2022 - 2030, TP. Cần Thơ ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án hạ tầng nông nghiệp gồm: Dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ tại xã Thới Hưng; 6 dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thới Lai, huyện Vĩnh Thạnh, huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ; Trung tâm Phát triển thủy sản Cần Thơ; 2 dự án phát triển hạ tầng nông nghiệp vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ và Nông trường Sông Hậu; 2 khu chăn nuôi tập trung xã Thới Hưng và xã Đông Bình.
Cùng với đó, cần tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các cụm liên kết ngành cấp vùng, gắn với các vùng chuyên canh lớn của các doanh nghiệp, kết nối giữa khu hạt nhân của cụm (gồm trung tâm nghiên cứu khoa học công nghiệp, tài chính, thương mại, logistic) và các vệ tinh gồm các khu, cụm công nghiệp dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp cấp thành phố.
Để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, TS. Nguyễn Trọng Uyên cho rằng, TP. Cần Thơ cần ưu tiên thu hút đầu tư của doanh nghiệp quy mô lớn, đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đồng bộ với các HTX, tổ hợp tác và hộ gia đình nông dân.
Song, thành phố đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp chiến lược đầu tư kinh doanh vào Trung tâm Liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, tại Cần Thơ.
Chuyển hướng từ truyền thống sang tư duy kinh tế
Cần Thơ là địa phương đầu tiên tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện mô hình thí điểm của đề án. Cụ thể, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023.
Theo đó, TP. Cần Thơ đã thí điểm trên diện tích 50 ha tại Hợp tác xã (HTX) Tiến Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, từ vụ hè thu 2024. Cần Thơ cũng phối hợp các đơn vị có liên quan triển khai thêm 1 mô hình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại HTX New Green Farm, tại quận Thốt Nốt.
Về mặt hiệu quả, mô hình được thực hiện từ vụ hè thu 2024 giúp giá thành sản xuất lúa giảm 250 đồng/kg và lợi nhuận của bà con nông dân tăng cao hơn từ 1,3 đến 6,5 triệu đồng/ha, đồng thời giảm 2 đến 12 tấn CO2/ha.
Ngoài ra, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho biết: “Thực hiện Ðề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Cần Thơ đang nỗ lực sớm hình thành vùng lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 48.000 ha, tập trung tại 3 huyện: Thới Lai, Cờ Ðỏ và Vĩnh Thạnh.”
Mặt khác, thành phố cũng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, thành phố quy hoạch 7 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện hữu tại huyện Cờ Đỏ (244 ha) và 6 khu quy hoạch mới tại các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh, với tổng diện tích hơn 1.400 ha.
Không những thế, TP. Cần Thơ cũng đã bố trí không gian phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp gắn với hạ tầng giao thông, thủy lợi để nâng cao hiệu quả phát triển tổng hợp, tăng cường liên kết giữa sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm; thành lập Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL, với diện tích khoảng 250 ha, tại quận Bình Thủy và huyện Cờ Ðỏ.
Ðồng thời, thành phố đề ra phương án phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu và danh mục dự án hạ tầng nông nghiệp ưu tiên đầu tư trên địa bàn TP. Cần Thơ thời kỳ 2022 - 2030.
“Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp tại TP. Cần Thơ đã có sự chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất truyền thống sang tư duy kinh tế gắn với định hướng tăng trưởng xanh bền vững và tích hợp đa giá trị.” - ông Trần Việt Phường nhận định.
Vì vậy, TP. Cần Thơ đã đề ra định hướng phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng trên cơ sở tích hợp đa ngành, có điều phối liên kết vùng, liên kết ngành. Đồng thời, phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên, thành phố tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông, thủy sản chuyên canh đạt chuẩn, đáp ứng theo từng nhóm thị trường.
Tóm lại, “Với phương châm sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp cũng chính là sự thành công của TP. Cần Thơ, lãnh đạo thành phố cam kết xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, lành mạnh, bình đẳng, công khai, minh bạch để doanh nghiệp, nhà đầu tư đóng góp các ý tưởng, triển khai các dự án, phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố” - ông Trần Việt Phường chia sẻ./.