Cần sớm xây dựng ban hành tiêu chuẩn quốc gia cho các mặt hàng rau quả chủ lực

Năm 2024, xuất khẩu rau quả lập kỷ lục khi đạt 7,1 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2023. Rau quả là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, hiện có mặt trên hơn 60 thị trường, do vậy cần sớm nghiên cứu, sớm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng rau quả chủ lực.

Vừa qua, tại Hội nghị Tổng kết năm 2024 và Triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, sớm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng chủ lực.

tieu-chuan-quoc-gia-nong-san-1-1735788451.jpg
Hội nghị Tổng kết năm 2024 và Triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành nông nghiệp".(Ảnh tư liệu)

Theo ông Bình, Bộ NN&PTNT đã xây dựng các đề án liên quan như phát triển cây ăn quả chủ lực, phát triển một số loại cây như cây có múi phát triển bền vững. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, đa số những chương trình, đề án này đều tập trung phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ đối tượng sản xuất là người nông dân, HTX. Trong khi đó, đối tượng xuất khẩu là trái cây, lại chưa thực sự có một kế hoạch tầm quốc gia nào.

Đã có một số tiêu chuẩn chung về rau quả, chẳng hạn như độ ẩm, sự trầy xước, sượng, tổn thương do lạnh.. nhưng hầu hết những tiêu chuẩn này chưa được xây dựng hoàn chỉnh cho những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, giá trị xuất khẩu lớn, chẳng hạn sầu riêng, thanh long, chuối...

Ông Bình lấy ví dụ về trái sầu riêng, quy cách thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch cũng như vận chuyển, chế biến đòi hỏi một quy trình nghiêm ngặt. Nếu không có tiêu chuẩn cụ thể, người nông dân có thể vô tình làm giảm chất lượng sản phẩm, nếu lớp vỏ (biểu bì) bị trầy xước, khiến thời gian bảo quản giảm.

Thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long, Trung du và Miền núi phía Bắc là 2 vùng trồng cây ăn quả lớn của cả nước. Thêm vào đó, Tây Nguyên cũng đang tăng nhanh diện tích cây ăn quả.

Do trồng tại nhiều vùng sinh thái khác nhau, chất lượng sản phẩm cuối cũng có thể khác nhau. Điều này giúp đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường nhưng cũng đặt ra vấn đề về kiểm soát chất lượng, theo ông Bình.

Chính vì vậy, ông Bình tin rằng, tiêu chuẩn về chất lượng rau quả sẽ giúp các bên có một "cơ sở" để cùng sản xuất, thu hoạch, chế biến. Đây cũng là tiền đề giúp Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao... tự tin tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, đồng thời hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Cùng với đó, cơ quan quản lý sẽ có những thiết chế luật pháp chặt chẽ hơn, giúp bảo vệ những nhà sản xuất chân chính.

tieu-chuan-quoc-gia-nong-san-2-1735788497.jpg
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Chia sẻ thêm về rau quả, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, rau quả là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, hiện có mặt trên hơn 60 thị trường. Nhiều sản phẩm chủ lực như xoài, chuối, sầu riêng… và đang đứng thứ nhì về xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường rau quả lớn nhất thế giới.

“Năm 2023, rau quả tăng trưởng xuất khẩu 67%. Năm 2024, tiếp đà tăng trưởng 27%”, ông Bình nói và khẳng định, rằng ngoài sản phẩm tươi, rau quả Việt Nam còn có các mặt hàng như chế biến, chế biến sâu.

Kết quả xuất khẩu 7,2 tỷ USD của năm 2024, theo ông Bình, là do sự tích lũy thành quả của các năm trước. Các loại cây ăn quả đa số đều cần thời gian đầu tư dài, từ 3-5 năm.

Số lượng rau quả xuất khẩu chính ngạch ngày càng tăng. Ví dụ, Trung Quốc hiện cấp phép 15 mặt hàng rau quả, góp phần những sản phẩm như sầu riêng, chuối, dừa… tăng trưởng tích cực.

Cuối cùng, thị phần của rau quả Việt Nam tiếp tục tăng, chẳng hạn từ vị trí thứ 3 lên thứ 2 ở Trung Quốc, hay Hoa Kỳ tăng trưởng hơn 30%, Thái Lan tăng hơn 80%. Các hoạt động xúc tiến thương mại về rau quả được các cấp, các ngành, hiệp hội ngành hàng ngày càng quan tâm, đầu tư. Kết hợp với 16 FTA thế hệ mới, ngành rau quả ngày nay có rất nhiều cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng.

tieu-chuan-quoc-gia-nong-san-4-1735788435.jpg
Tiêu chuẩn về chất lượng rau quả sẽ giúp các bên có một "cơ sở" để cùng sản xuất, thu hoạch, chế biến. (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá của ông Bình, trong thành công của ngành rau quả có sự đóng góp không nhỏ của Bộ NN&PTNT, cũng như các đơn vị trực thuộc như Cục Trồng trọt, Cục BVTV… Nhờ đó, thông tin thị trường, các yêu cầu về kiểm dịch, vai trò cầu nối… được duy trì, ổn định.

Trong năm 2025, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả cho rằng, chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, xung đột địa chính trị toàn cầu… là những thách thức lớn.

Để xuất khẩu bền vững hơn, ông Bình cho rằng cần quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực tuân thủ của doanh nghiệp. “Đi cùng nhau, chúng ta sẽ đi được xa hơn”, ông nhấn mạnh./.

Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, xuất khẩu rau quả đạt 7,1 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kỷ lục mới của ngành rau quả Việt Nam và cũng là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024.

Với nhiều dư địa thị trường, Hiệp hội Rau quả Việt Nam kỳ vọng ngành rau quả Việt có thể mang về hơn 8 tỷ USD trong năm 2025. Trong đó, có nhiều yếu tố mới xuất hiện như mặt hàng sầu riêng đông lạnh, dừa tươi xuất khẩu đi Trung Quốc, chanh dây hiện nay đang đàm phán với Mỹ.

Giới chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu rau quả nói chung và trái cây nói riêng đang đứng trước thời cơ lớn để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Nguyên nhân là do nhu cầu thị trường thế giới về nguồn hàng này ngày càng cao, trong khi Việt Nam đang làm rất tốt công tác mở cửa thị trường.

Bộ NN&PTNT dự kiến, vào năm 2025, trái chanh dây Việt Nam sẽ chính thức được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đây là kết quả từ quá trình đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ về các biện pháp kiểm dịch thực vật đối với loại trái cây này.

Hiện các bước đàm phán kỹ thuật đã được hoàn thiện và hiện tại hai bên đang hoàn tất những thủ tục pháp lý cần thiết. Việc chanh dây được phép thâm nhập vào thị trường Mỹ hứa hẹn tạo động lực lớn để ngành rau quả Việt Nam tiếp tục mở rộng xuất khẩu, đặc biệt vào các thị trường khó tính khác.

Bình Châu