Cần sợi dây liên kết giữa các bên để mở rộng đầu ra cho hợp tác xã, doanh nghiệp

Một trong những khó khăn khiến nông sản của các Hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp vẫn chưa được rộng mở là do mối liên kết giữa người dân, HTX, doanh nghiệp và các nhà quản lý vẫn vô cùng lỏng lẻo. Để các sản phẩm nông sản phát triển hơn nữa, rất cần mối liên kết chặt chẽ giữa các bên.

Theo Liên minh HTX Việt Nam cho biết, cả nước hiện có trên 28.000 HTX, 13.000 tổ hợp tác, khoảng 200 liên hiệp HTX. Khu vực HTX đang thu hút 3,2 triệu hộ nông dân, chính vì vậy đẩy mạnh liên kết vùng là vấn đề vô cùng quan trọng giúp các HTX liên kết sản xuất, mở rộng đầu ra. Tuy nhiên, đến nay có đến khoảng 70% HTX chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa liên kết với doanh nghiệp. Điều này khiến vấn đề tiêu thụ nông sản của các HTX còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Văn Tám, Chủ tịch HĐQT HTX Sông Hồng (Hà Nội) cho hay, hiện nay các HTX rất mong muốn được liên kết với doanh nghiệp, siêu thị… thậm chí đi bằng chính “đôi chân” của mình để đưa sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Vậy nhưng, khó khăn của các thành viên HTX về giấy tờ, cách thức kết nối với các doanh nghiệp đang khiến đầu ra cho các loại nông sản, sản phẩm chế biến sâu chưa được rộng mở.

Bên cạnh đó, việc đưa nông sản vào siêu thị sẽ giúp các HTX, doanh nghiệp ổn định đầu ra sản phẩm, tránh điệp khúc “được mùa, mất giá”, nhưng việc này hiện đang gặp khó khăn. Lý do mà các siêu thị đưa ra là nông sản khó bảo quản, chất lượng một số mặt hàng chưa đồng đều, không đáp ứng được tiêu chuẩn sản phẩm nghiêm ngặt của các siêu thị… Trong khi HTX cũng đã rất cố gắng và thực hiện nghiêm ngặt từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch. Chính vì vậy, thành viên HTX đang băn khoăn chưa biết làm thế nào để có thể đưa sản phẩm vào siêu thị?.

Mặt khác, HTX hiện nay rất khó tiếp cận vốn từ ngân hàng. Trong khi cơ chế thanh toán các siêu thị đưa ra kéo dài đến 45 ngày, HTX không có đủ vốn để quay vòng sản xuất.

Vì những khó khăn trên mà HTX hoạt động càng khó khăn, làm giảm lòng tin của người dân vào mô hình HTX. Chính vì vậy, rất cần các doanh nghiệp, siêu thị hỗ trợ mô hình Kinh tế tập thể, HTX phát triển. Trong khi đây là khu vực đang tạo việc làm cho không ít nông dân và được Nhà nước khẳng định là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế.

htx-1674710739.jpg
Cần sợi dây liên kết giữa các bên để mở rộng đầu ra cho HTX, doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Chia sẻ về vấn đề này, bà Mai Phương, đại diện Siêu thị GigC và GO cho biết, vấn đề đặt ra lâu nay là HTX thường bán những cái HTX có sẵn, mà chưa chú trọng đến sản phẩm đặc thù. Có những HTX giới thiệu 15-20 mã hàng nhưng tất cả các mã không có gì đặc thù. Vậy tại sao HTX không phân loại sản phẩm để đưa vào từng phân khúc phù hợp. Chẳng hạn như đưa hàng loại sản phẩm vào siêu thị thì HTX cần phải làm gì, bao gói ra sao, phục vụ cả online hoặc offline?...

Ngoài ra, các HTX đang chủ yếu duy trì sản lượng, cung cấp sản phẩm theo thời vụ, trong khi các siêu thị lại quan tâm đến vấn đề duy trì cho sản phẩm nông nghiệp. Chính vì vậy, những HTX nào đảm bảo được tính duy trì và bảo đảm được chất lượng thì mối liên kết giữa HTX và siêu thị rất bền chặt. Hiện có HTX Mường Bú, Chúc Sơn đang làm rất tốt điều này.

Bên cạnh đó, để tránh “phá vỡ” hợp đồng, thúc đẩy hơn nữa liên kết giữa doanh nghiệp và HTX trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, ông Dương Thái Trung, Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho rằng, điều đầu tiên cần quan tâm đó là chất lượng nông sản phải được bảo đảm, các quy định trong hợp đồng phải chặt chẽ. Muốn hợp đồng được bền vững cần có sự vào cuộc của các cơ quan địa phương, và hài hòa về lợi ích giữa các bên.

Ngoài ra, sản xuất hàng hóa rất phát triển, đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu lớn nhưng hạ tầng thương mại chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ hàng hóa. 

Hiện, trên cả nước đã có trên 1.000 siêu thị, cửa hàng hiện đại cùng hơn 1.000 chợ giúp tiêu thụ nông sản của người dân, HTX. Nhưng vấn đề đặt ra là hạ tầng thương mại của các siêu thị, chợ chưa đáp ứng được vấn đề tiêu thụ nông sản. Để làm được điều đó, Nhà nước cần hoàn thiện các văn bản pháp luật để các doanh nghiệp, HTX phát triển chuỗi. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các văn bản pháp luật để các chợ, siêu thị phát triển cơ sở hạ tầng, giúp cung - cầu gặp nhau. 

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, trước khi nói đến xuất khẩu, sản phẩm phải chinh phục được thị trường nội địa. Và điều không được bỏ qua đó chính là cần coi thương lái là một phần của chuỗi bởi hiện tỷ lệ nông sản vào siêu thị chỉ chiếm khoảng 15%. Chính vì vậy, cần tạo sân chơi cho đối tượng này để gắn kết và hoàn thành các chuỗi. Chẳng hạn như việc thành lập các hội sầu riêng ở Đắk Lắk đang từng bước giúp chính quy hóa chuỗi, đưa thương lái vào trong chuỗi giá trị. 

Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Bởi sản phẩm dù có chất lượng nhưng không có thương hiệu, không bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì rất khó thâm nhập thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu. Các HTX cần chuyển đổi số để phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của từng phân khúc khách hàng. Chính vì vậy, HTX cần phân loại sản phẩm để tiếp cận khách hàng phù hợp. Các HTX cũng cần liên kết chặt chẽ với các cơ quan bộ ngành để sản xuất theo quy trình sạch, hữu cơ, có định hướng rõ ràng phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu.
 

Đông Nghi