Theo đó, nhằm đánh giá được các tác động tổng hợp của toàn bộ các dự án phát triển năng lượng điện gió đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế xã hội làm cơ sở đề xuất các giải pháp, chiến lược phát triển bền vững năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2025 – 2030, Liên danh Trường Đại học khoa học, Đại học Huế và Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng và khoáng sản DICO đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá hiện trạng môi trường trước và sau khi các dự án điện gió trên địa bàn đi vào hoạt động. Trong đó, tập trung đánh giá môi trường không khí, môi trường đất, môi trường trầm tích, môi trường nước; môi trường nước mặt, hiện trạng đa dạng sinh học,…
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu và sản phẩm thu được của nhiệm vụ cho thấy, các hoạt động điện gió hiện tại làm thay đổi chất lượng các thành phần môi trường nhưng không đáng kể. chất lượng các thành phần môi trường ở các khu vực dự án điện gió đều đạt yêu cầu của các quy chuẩn Việt Nam hiện hành.
Đối với tác động chung, các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh có những tác động nhất định đối với môi trường, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế xã hội của khu vực dự án và lân cận. Trong đó có những tác động tiêu cực chủ yếu xảy ra trong giai đoạn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, những tác động này sẽ giảm trong quá trình vận hành. Khi hoàn thành và đi vào vận hành có tác động tích cực nhiều hơn.
Nếu thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu các tác động tích cực đồng bộ thì có thể tiếp tục phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Đặc biệt, khi thực hiện nghiêm chỉnh các giải pháp, tổng tác động tích cực sẽ tăng lên và sẽ ở mức tích cực trung bình đến cao.
Phát biểu tại Hội nghị, Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, những kết quả nghiên cứu đã cho thấy những tác động tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, cần phân tích rõ hơn đối với những tác động đó. Cụ thể, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, cần có dẫn chứng cụ thể đối với những tác động tích cực và tiêu cực để có những khuyến nghị cho các nhà đầu tư và sinh kế cho người dân.
Để chia sẻ rộng rãi thông tin về kết quả nghiên cứu, cần đánh giá sâu hơn thực trạng chung, dự báo và khuyến nghị chính quyền, người dân cần làm gì để có cơ sở khoa học và thực tiễn thì sẽ thuyết phục hơn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đồng tình và đánh giá cao kết quả nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp. Đồng thời đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các ngành để hoàn thiện đề tài này.
Đặc biệt, ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng lưu ý, trong quá trình thực hiện đề tài này, cần bám sát đề cương khi thực hiện nhiệm vụ. Cần có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia dân tộc học, chuyên gia khoáng sản, các chuyên gia năng lượng và chuyên gia xã hội học, thì mới có đánh giá toàn diện và đưa ra các khuyến nghị có giá trị.
Đồng thời, cần xem đây là một đề tài, dự án để xác định rõ phạm vi, không gian, thời gian nghiên cứu và các yếu tố liên quan khác. Đồng thời cần có Hội đồng với các chuyên gia, nhà quản lý để đánh giá đề tài, dự án này. Cần có sự so sánh các loại hình năng lượng và phân tích dư địa của điện gió để có sự khuyến cáo, đề xuất hợp lý nhất.
Trong quá trình đánh giá thực trạng và nghiên cứu quá trình thực hiện đầu tư của các dự án, cần đánh giá cụ thể và rõ hơn sự khắc phục những tác động tiêu cực trong quá trình thực hiện các dự án điện gió trên địa bàn để khi đề tài được công bố sẽ thuyết phục hơn.
Hiện thực hoá tầm nhìn Trung tâm năng lượng miền Trung
Trước đó, ngày 07/9/2022, tại TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), Báo Công Thương đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo “Quảng Trị: Hiện thực hóa tầm nhìn Trung tâm năng lượng miền Trung”.
Theo đó, Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà đầu tư bàn thảo những giải pháp, tháo gỡ những vướng mắc, góp phần phát triển năng lượng tại Quảng Trị một cách bền vững, hiệu quả.
Quảng Trị được dự báo có tiềm năng hơn 14.000 MW. Với đặc thù địa hình, khu vực phía Tây của tỉnh sẽ là “thủ phủ điện gió”, khu vực phía Đông phát triển điện khí, điện mặt trời và nhiều tiềm năng điện gió ngoài khơi.
Để hiện thực hóa tiềm năng, tỉnh Quảng Trị phải nhận thức được cơ hội về phát triển công nghiệp năng lượng để không bỏ lỡ cơ hội, không để tụt lại phía sau. Nhận diện rõ giá trị phát triển của tỉnh Quảng Trị. Phải coi, phát triển năng lượng tái tạo là cơ hội hạnh phúc cho người dân. Nhưng điều này không dễ dàng thực hiện được bởi đối tượng chính từ những dự án điện gió là nhà đầu tư và ngân sách. Vậy thì làm sao phải thiết kế được cơ chế hài hòa lợi ích, để người dân được hưởng lợi; Phải tận dụng thời cơ, mượn sức của cơ chế, chính sách. Quảng Trị phải chứng minh được “phát triển Quảng Trị chính là giảm bớt áp lực ngân sách cho quốc gia”. Phải coi phát triển Quảng Trị là “nghĩa vụ lịch sử quốc gia”.
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị cho biết: “Đến cuối năm 2022, đã có 31 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được cấp có thẩm quyền phê duyệt vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với tổng công suất 1.177,2MW. Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất 671,1MW hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại trước ngày 31 tháng 10 năm 2021 (thời hạn được hưởng cơ chế khuyến khích của Chính phủ). Với kết quả này Quảng Trị trở thành tỉnh có số dự án điện gió và tỷ lệ công suất vận hành thương mại cao nhất cả nước (chiếm 16,9% toàn quốc).
Theo ước tính sơ bộ, mỗi MW điện gió có doanh thu khoảng 6 tỉ đồng/năm, chỉ tính riêng thuế VAT (8%), mỗi MW điện gió đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng gần 500 triệu đồng/năm. Như vậy, với 671,1MW điện gió đã vận hành thương mại, hàng năm đóng góp vào ngân sách tỉnh khoảng gần 350 tỉ đồng”./.