Đến nay, huyện Cẩm Khê đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn theo tinh thần Nghị quyết HĐND tỉnh Phú Thọ và huyện đã đề ra; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện cơ chế hỗ trợ hàng năm tại các địa phương.
Trong đó, diện tích cấy lúa 6.400 ha, năng suất bình quân đạt 56,4 tạ/ha; cây ngô 1.670 ha, năng suất 47,2 tạ/ha; cây rau màu các loại: 2.500 ha, năng suất 159,8 tạ/ha…Đồng thời, huyện cũng triển khai một số mô hình sản xuất, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích.
Ngoài ra, huyện Cẩm Khê đã phân bổ hàng tỷ đồng để hỗ trợ phát triển các mô hình; trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao, rau theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng cây ăn quả, phát triển thủy sản công nghệ cao và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện. Hiện, huyện Cẩm Khê đã xây dựng được vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Nông nghiệp xã Tuy Lộc với tổng diện tích trên 5ha, bước đầu đã mang lại kết quả đáng khích lệ cho bà con nhân dân nơi đây.
Cạnh đó, xác định tái cơ cấu ngành thủy sản giữ vai trò quan trọng trong chăn nuôi, do vậy huyện tập trung chỉ đạo xây dựng hoàn thiện hạ tầng các vùng thủy sản tập trung như đồng Láng Chương, hạ tầng thủy sản Tuy Lộc, Đồng Mèn... nhằm phát triển thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển các loài thủy sản có giá trị theo nhu cầu thị trường, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Toàn huyện có 11/27 trang trại thủy sản đã được công nhận, nhiều vùng sản xuất có hiệu quả cao như nuôi cá chép đỏ ở xã Tuy Lộc, cho thu nhập khoảng 150 -200 triệu đồng/ha; nuôi tôm càng xanh ở các xã Văn Khúc, Chương Xá, Sơn Tình; nhân rộng nuôi ốc nhồi ở các xã như: Thị trấn Cẩm Khê, Tình Cương, Tam Sơn, Văn Khúc, Minh Tân… Đến nay, toàn huyện có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản gần 2.000 ha, sản lượng khai thác đạt hơn 8.000 tấn/năm…
Phát huy lợi thế đất đai rộng, Cẩm Khê đã phát triển được nghề chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gia cầm... đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, trên địa bàn hiện đang duy trì, phát triển hàng chục trang trại và HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghệ cao tại xã Phú Khê, Tiên Lương.
Mặt khác, trong 8 tháng đầu năm 20222 toàn huyện trồng rừng tập trung 454,1 ha, đạt 100% kế hoạch; trồng cây phân tán 185 ngàn cây, đạt 97,4% kế hoạch. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 43.500 m3, bằng 110,5 % so với cùng kỳ. Chỉ đạo 10 xã phối hợp với HTX lâm nghiệp An Việt Phát tổ chức thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC), diện tích 2.000 ha năm 2022.
Trong chăn nuôi, từng bước chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung gắn với an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; cơ cấu các giống con nuôi có hiệu quả kinh tế, phù hợp với nhu cầu thị trường theo tiêu chuẩn VietGAP, như: trâu, bò, dê, lợn, gia cầm… tổng đàn trâu bò là 19,050 con, lợn 58.000 con; tổng đàn gia cầm trên 2.000 nghìn con. Theo đó, HTX Chăn nuôi gà thả đồi Tiên Sơn, xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê với quy mô 55.000 con/năm.
Nhờ kết hợp hiệu quả các lĩnh vực sản xuất thế mạnh sẵn có, kinh tế - xã hội của Cẩm Khê đã có bước phát triển vững chắc, đời sống của nhân dân dân không ngừng được nâng cao; năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 34 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,86%.
Bà Trần Thị Thu Hưởng – Trưởng phòng nông nghiệp huyện Cẩm Khê cho biết: “Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, các cấp ủy, chính quyền huyện Cẩm Khê đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác dồn đổi ruộng đất, quy hoạch đất đai, chú trọng tập huấn chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, cung ứng đủ giống, thường xuyên kiểm tra bám sát tình hình sản xuất, làm tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu, bệnh hại và chỉ đạo phòng trừ kịp thời…”.