Các xu hướng công nghệ tiêu biểu trong thập kỷ tới (Kỳ 2)

Trí tuệ nhân tạo (AI), vũ trụ ảo (metaverse), công nghệ chuỗi khối (blockchain)… được các chuyên trang công nghệ dự đoán sẽ tiếp tục là các xu hướng công nghệ nổi bật trong thập kỷ tới. Khả năng thích ứng với những xu hướng công nghệ này sẽ quyết định tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tương lai.

Blockchain

Theo các quy trình truyền thống, việc thiết lập niềm tin giữa hai bên trong môi trường trực tuyến đều phải thông qua trung gian. Các ngân hàng và công ty thanh toán như Paypal xác minh danh tính và đóng vai trò là “người bảo lãnh” khi người dùng chuyển và nhận tiền. Tuy nhiên, trên thực tế đây đều là những hệ thống hoạt động trên nguyên tắc tập trung, nghĩa là sự cố vẫn dễ dàng xảy ra nếu các công ty không quản lý hệ thống một cách hiệu quả hoặc không hành động vì lợi ích tốt nhất của khách hàng.

blockchain-1677042528.jpg
 

Công nghệ blockchain đang dần khẳng định chỗ đứng của mình

Vào năm 2023, blockchain được dự báo sẽ là một trong những xu hướng công nghệ nổi bật với khả năng giúp loại bỏ quyền kiểm soát cuối cùng đối với một tổ chức, công ty hoặc quy trình khỏi bất kỳ khả năng chi phối tận dụng nào. Giao dịch có thể được diễn ra mà không cần bên trung gian, bởi được xác thực thông qua một hệ thống phi tập trung, khó có thể bị xóa bỏ, chỉnh sửa, bởi các dữ liệu được lưu trữ tại tất cả các máy tính tham gia hệ thống.

“Gã khổng lồ” năng lượng Shell tiết lộ một sáng kiến dựa trên công nghệ chuỗi khối để bảo đảm chính xác nguồn gốc năng lượng chảy trong hệ thống của mình. Nhà sản xuất đồ uống nổi tiếng William Grant & Sons đã gắn các mã thông báo kỹ thuật số phi tập trung (NFT) vào các chai rượu whisky Glenfiddich cực kỳ đắt tiền mà họ bán cho các nhà sưu tập. Công nghệ NFT dựa trên blockchain cho phép người giao dịch dễ dàng truy xuất thông tin và nguồn gốc chính xác của mỗi chai rượu.

Internet vạn vật (IoT)

Xu hướng phát triển này của công nghệ được xem là sự tổng hợp của tất cả những xu hướng khác lại với nhau. Mạng lưới các cảm biến, thiết bị và cơ sở hạ tầng được kết nối để thu thập dữ liệu chúng ta cần nhằm xây dựng siêu dữ liệu, tạo bản sao kỹ thuật số, đào tạo máy móc thông minh và thiết kế các cách thức mới để kích hoạt niềm tin kỹ thuật số mà không cần trung gian. Internet vạn vật (IoT), hay “thế giới siêu kết nối” và tác động của nó đối với cuộc sống của chúng ta sẽ tiếp tục được cảm nhận mạnh mẽ vào năm 2023.

iot-1677042587.jpg
 

Kết nối thông minh giữa các thiết bị số giờ đây đã không còn xa lạ tại các ngôi nhà cao cấp tại Việt Nam

Các tiện ích và thiết bị cũng như không gian làm việc của nhiều hộ gia đình ngày nay được lấp đầy bằng các công cụ và ứng dụng thông minh. Tuy nhiên, các nền tảng và hệ điều hành khác nhau vẫn tạo ra không ít khó khăn. Vào năm 2023, các tiêu chuẩn và giao thức toàn cầu được kỳ vọng sẽ giúp các thiết bị tương thích với nhau hơn.

Một lĩnh vực phát triển trọng tâm khác sẽ là bảo mật IoT. Mặc dù các thiết bị được kết nối có thể cải thiện cuộc sống của chúng ta theo nhiều cách, nhưng chúng cũng tạo ra rủi ro bảo mật. Bất kỳ thiết bị nào cũng có khả năng là điểm truy cập mà kẻ tấn công có thể sử dụng để giành quyền truy cập vào toàn bộ hệ thống. Cải thiện khả năng bảo mật để ngăn chặn các cuộc tấn công này sẽ là ưu tiên hàng đầu của các công ty đang đầu tư vào IoT.

6g-1677042693.jpg
 

Tiêu chuẩn kết nối 6G sẽ là bước nhảy quan trọng trong lĩnh vực kết nối di động

Dịch vụ 5G và các dịch vụ 6G trong tương lai sẽ không chỉ giúp các thiết bị kết nối nhanh hơn mà còn tương thích nhiều thiết bị hơn. “Giao tiếp” giữa các thiết bị có thể được “chia nhỏ” và được đặt trong các kênh tồn tại biệt lập. Như vậy, các thiết bị sẽ được kết nối một cách đáng tin cậy hơn và có thể được sử dụng trong các quy trình quan trọng như phẫu thuật bằng robot./.