Các thị trường chứng khoán chủ chốt của châu Á đều giảm điểm

Các thị trường chứng khoán chủ chốt tại châu Á đều không thể tăng điểm trong chiều 6/10, khi sự dẫn dắt của Phố Wall bị lu mờ bởi những lo lắng về một loạt vấn đề từ lạm phát gia tăng và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, cho đến khả năng Mỹ vỡ nợ.
nhadautu-virus-corona-anh-huong-ttck-1358-1633516852.jpg
Các thị trường chủ chốt tại Châu Á đều giảm điểm

Chứng khoán Nhật Bản đã giảm điểm phiên thứ tám liên tiếp trong ngày 6/10, do các nhà đầu tư lo lắng về lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 1,05% (tương đương 293,25 điểm) và chốt phiên ở mức 27.528,87 điểm.

Tại Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong đóng cửa đi xuống. Những lo ngại lạm phát và kỳ vọng chấm dứt chính sách tiền tệ lỏng lẻo của các ngân hàng trung ương đã làm tăng thêm sự không chắc chắn xung quanh số phận “gã khổng lồ” bất động sản Trung Quốc Evergrande.

Chỉ số Hang Seng phiên này giảm 0,57% (137,66 điểm) xuống 23.966,49 điểm. Trong khi đó, thị trường Thượng Hải tiếp tục đóng cửa nghỉ lễ cho tới ngày 8/10.

Một thị trường chứng khoán chủ chốt khác ở châu Á cũng đi xuống trong phiên này là Hàn Quốc, giữa bối cảnh các nhà đầu tư liên tục lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc và sự bế tắc của Quốc hội Mỹ trong việc nâng trần nợ công. Chỉ số Kospi tại thị trường Seoul giảm 1,82% (53,86 điểm) xuống 2.908,31 điểm, cũng là mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 30/12/2020.

Các thị trường Sydney, Wellington đều chìm trong sắc đỏ. Nhưng Singapore, Manila, Mumbai, Bangkok và Jakarta lại tăng điểm.

Đà tăng vốn kéo dài hơn một năm qua trên các thị trường chứng khoán đã gặp trở ngại trong những tháng gần đây, giữa lúc các vấn đề về chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng cao do nhu cầu phục hồi đã dẫn đến lạm phát leo thang.

Giới đầu tư hiện đang tỏ ra không mấy lạc quan, với một số cảnh báo rằng tình trạng giá cao liên tục kết hợp với các dấu hiệu cho thấy tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại có thể dẫn đến một thời kỳ lạm phát kèm suy thoái kinh tế. Tình hình này đã gây áp lực ngày càng tăng lên các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, buộc họ cân nhắc việc giảm bớt các chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo - vốn có nhiệm vụ ứng phó ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 và là chìa khóa cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch 6/10, chỉ số VN - Index tăng 8,19 điểm (0,6%) lên 1.362,82 điểm, trong khi HNX - Index tăng 1,97 điểm (0,54%) lên 368,47 điểm.

Hương Thủy