Các địa phương cần khẩn trương xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế trong tình hình mới

Để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp tổ chức ngày 26/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các địa phương cần khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế, kế hoạch mở cửa trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, các địa phương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, bảo đảm triển khai các giải pháp thích ứng với lộ trình kiểm soát dịch bệnh; trong đó, tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương, gắn với đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời người lao động và các đối tượng chính sách bị tác động bởi dịch bệnh, đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng.

bo-truong-khdt-1632660257.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị khẩn trương rà soát, sửa đổi điều kiện, quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cùng với đó, các địa phương khẩn trương rà soát, sửa đổi điều kiện, quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

"Cần tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đánh giá thực chất quá trình xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp ", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp và các hiệp hội, cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp trên nền tảng số, thông qua chuyển đổi số; nâng cao năng suất, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, sắp xếp, cơ cấu lại lao động hợp lý, đầu tư hơn nữa cho công nghệ, đổi mới thiết bị, mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, giải pháp mới trong sản xuất kinh doanh; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

doanh-nghiep-nho-1632659280.jpeg
Các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất (ảnh: TTXVN)

Các doanh nghiệp cần tích cực hiến kế cho chính quyền các cấp để xây dựng kế hoạch mở cửa của từng địa phương, đóng góp sáng kiến cho Chương trình phục hồi kinh tế; trong đó, có các nội dung liên quan đến phục hồi cho khu vực doanh nghiệp, phát huy sức mạnh toàn dân tộc vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức hiện nay.

Giải quyết những vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 đã được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao, về cơ bản, những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp đã và đang được xem xét, giải quyết.

Đặc biệt, các chính sách liên quan đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; miễn tiền chậm nộp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét ban hành chính sách giảm tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng. Ước tính giá trị các giải pháp hỗ trợ này là trên 22 nghìn tỷ đồng.

Các chính sách, giải pháp khác nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp như giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, giảm thời gian hoàn trả tiền kỹ quỹ du lịch, giảm giá dịch vụ hạ, cất cánh đối với chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không ...đều đang được các bộ, ngành triển khai và dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2021.

Bên cạnh các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP, các bộ, ngành và địa phương đã và đang tích cực triển khai các chính sách và giải pháp khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 về hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng tăng mức hỗ trợ và cụ thể hóa các chính sách phù hợp với thực tế; đồng thời, đẩy mạnh nâng cấp và vận hành Hệ thống đào tạo trực tuyến e-learning, đã có hơn 20.000 lượt học tập, truy cập và trải nghiệm trên hệ thống…

Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các Tổ công tác đặc biệt Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và Tổ công tác về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư cũng đang được triển khai tích cực, nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp./.

Nguyễn Thúy Hiền