Nhu cầu thị trường ổn định, cá tra Việt Nam có nhiều cơ hội lạc quan trong năm 2023

Cá tra ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài nước yêu thích vì cấu trúc và hương vị trung tính, dễ chế biến, giá cả phù hợp với mọi phân khúc tiêu thụ. Với hơn 140 thị trường trên thế giới, cá tra của Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các thị trường truyền thống và khắt khe về an toàn thực phẩm cũng như các quy định kỹ thuật như Mỹ, EU và cả những thị trường vốn không ưa chuộng cá nuôi như Nhật Bản.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), sự phổ biến của cá tra và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đưa cá tra đi khắp năm châu đã giúp cho ngành này mang về nguồn ngoại tệ lớn mỗi năm. Với kim ngạch xuất khẩu từ 1,5 – 2,4 tỷ USD/năm, riêng con cá tra đã chiếm 16-26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Dù chịu áp lực bởi rào cản thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ mỗi năm, bị truyền thông tại EU “vùi dập” vì cạnh tranh với cá thịt trắng và những rào cản thị trường khác, nhưng cá tra Việt Nam vẫn mạnh mẽ vươn ra thị trường thế giới nhờ sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam, biết nắm bắt cơ hội thị trường, vượt qua những thách thức và rào cản, khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm của Việt Nam.

ca-tra-1673272767.jpg
Ảnh minh họa.

Sau nhiều khó khăn chinh phục thị trường EU, cá tra Việt Nam đã mạnh mẽ vươn ra thị trường thế giới. Đến nay, cá tra trở thành loài cá thịt trắng nuôi được yêu thích số 1 ở nhiều thị trường lớn như: EU, Mexico, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông… và ngày càng tăng thị phần ở các thị trường khác như Mỹ, Nga…

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020, xuất khẩu cá tra giảm xuống mức thấp nhất là gần 1,5 tỷ USD, giảm 26% so với năm 2019. Nguyên nhân là do nhu cầu sụt giảm và nghiêm trọng hơn là tình trạng đứt gãy chuỗi logistic thương mại toàn cầu, giá cước vận tải biển tăng mạnh khiến cho doanh nghiệp cá tra không thể trụ được trên những thị trường xa như châu Mỹ, châu Âu.

Năm 2021, thị trường tiêu thụ bắt đầu bình ổn trở lại, nhưng những làn sóng dịch Covid-19 lại liên tục bùng phát tại Việt Nam, với đỉnh điểm là quý III/2021 khiến toàn bộ chuỗi sản xuất thương mại thủy sản bị gián đoạn, trong đó nặng nề nhất là cá tra vì nằm trong trung tâm dịch và bị đình trệ đúng vào thời điểm cần tăng tốc sản xuất để xuất khẩu. Do vậy, xuất khẩu cá tra dù đã hồi phục 8% nhưng vẫn chỉ đạt trên 1,6 tỷ USD.

Năm 2022 xuất khẩu cá tra Việt Nam đã bứt phá mạnh mẽ với kỷ lục 2,4 tỷ USD. Sau đỉnh dịch, lượng tồn kho còn nhiều, sản xuất chế biến hồi phục, nhu cầu trên các thị trường đều tăng. Giá xuất khẩu cá tra sang các thị trường tăng từ 20-55%, nhất là tại thị trường Mỹ. Xung đột Nga – Ukraine khiến nguồn cung cá thịt trắng tại nhiều thị trường sụt giảm, tạo cơ hội cho cá tra tăng thị phần.

Theo ghi nhận, lạm phát đang làm sụt giảm nhu cầu thủy sản trên thị trường thế giới, xuất khẩu cá tra cũng phần nào bị ảnh hưởng, nhưng với lợi thế về nguồn cung ổn định và giá cả phù hợp, xuất khẩu cá tra sẽ vẫn duy trì ổn định hơn so với các ngành hàng khác và dự báo sẽ bứt phá mạnh mẽ khi thị trường bình ổn trở lại.

Trong Báo cáo ngành hàng cá tra Việt Nam (2017 - 2022), dự báo đến năm 2025, Vasep dự báo nguồn cung các loại cá thịt trắng vào năm 2023 giảm và xu hướng giá cá thịt trắng tăng mạnh, thì cá tra Việt Nam vẫn nhìn thấy cơ hội lạc quan trong năm 2023. Khi lạm phát ngấm sâu vào các nền kinh tế thế giới, nhất là các thị trường thuộc khối G7, người tiêu dùng đã và sẽ tiếp tục siết chặt chi tiêu đối với các mặt hàng thực phẩm giá cao.

Do vậy, dù ít nhiều bị tác động đến nhu cầu tiêu thụ và thực phẩm, nhưng so với các mặt hàng thủy hải sản khác, năm tới tiêu thụ và nhập khẩu cá tra vào các thị trường có thể không bị giảm.

Thi Nguyên (t/h)