Cà Mau kịp thời ổn định tình hình cung ứng xăng dầu

Nhằm kịp thời chấn chỉnh, ổn định tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã chỉ đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thành phố Cà Mau, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Theo đó, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thành phố Cà Mau, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm không bị gián đoạn; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2011/NĐ-CP.

Đồng thời, tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu,… trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định.

Theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, sau kỳ điều chỉnh tăng giá ngày 1/3, tình hình cung ứng xăng dầu cơ bản trở lại bình thường và ổn định. Các thương nhân phân phối mua được xăng dầu với số lượng lớn từ các thương nhân đầu mối kinh doanh nên cung cấp cho các cửa hàng xăng dầu bán lẻ thuộc hệ thống cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu thụ của người dân.

Mặt khác, bên cạnh tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát thì đơn vị đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cam kết thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu, đến nay chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Dương Vũ Nam cho biết thêm: "Để ổn định thị trường xăng dầu nội địa, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường để cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách thuế phù hợp đối với mặt hàng xăng dầu.

Thời gian tới, theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau, Sở Công Thương phối hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh và các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, phát hiện và xử lý kịp thới các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng, giảm thời gian bàn hàng, tạo khan hiếm xăng dầu,…đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

edit-edit-edit-img20220210140421-1644477075572728220011-1646906311.jpeg
Cà Mau kịp thời ổn định tình hình cung ứng xăng dầu 

Đã qua, bên cạnh biến động về nguồn cung thì giá xăng dầu liên tục tăng cao trong thời gian gần đây đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải…

Ghi nhận tại Bến xe khách Cà Mau, hiện giá vé xe liên tỉnh của các doanh nghiệp vận tải vẫn giữ mức ổn định, chưa có sự điều chỉnh giá. Nhưng theo Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Cà Mau, chi phí cho xăng, dầu chiếm tới 40% trong cơ cấu giá cước vận tải. Do đó, khi giá xăng, dầu liên tục tăng từ trước Tết đến nay, đã tác động trực tiếp đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp, gây áp lực lớn đến chi phí vận hành.

Theo nhiều hãng xe khách, ảnh hưởng dịch bệnh nên dù các tuyến đã được mở lại, nhưng hiện lượng khách đi cũng hạn chế. Bà Nguyễn Thị Mỹ Diệp, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thương mại Giáp Diệp chia sẻ, giá xăng dầu tăng đã làm ảnh hưởng hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng chưa dám tăng giá. Bởi tình hình dịch bệnh ảnh hưởng, người dân đang khó khăn, đi lại còn hạn chế. Nếu tăng giá sẽ ảnh hưởng đến người dân, số lượng hành khách có khi lại sụt giảm thêm. Hiệp hội vận tải tỉnh đang có kế hoạch họp lại chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Việc giá xăng, dầu tăng cao đã tác động lớn đến chi phí hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm các doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh trở lại. Do đó, trước tình hình này, các thành viên trong Hiệp hội Vận tải tỉnh đã thống nhất việc đề xuất tăng giá cước vận tải để duy trì hoạt động. Mức giá được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp, giúp người dân có thể thuận tiện trong việc chi trả chi phí đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Ông Lê Hoàng Ngon, Chủ tịch Hiệp Hội Vận tải tỉnh cho biết, sau thời gian gần như "đóng băng"vì dịch bệnh, hiện các doanh nghiệp vận tải mới bắt đầu khôi phục hoạt động. Thế nên, phần lớn các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp chỉ mới hoạt động khoảng 50% công suất xe.

Vấn đề đặt ra hiện nay là nếu xây dựng giá cước tương đương với mức tăng nguyên liệu thì sẽ rất cao, ảnh hưởng đến việc đi lại, ký gửi hàng hóa của người dân. Chính vì thế, các thành viên trong Hiệp hội thống nhất đề xuất với Sở Giao thông vận tải tỉnh điều chỉnh tăng mức giá cước từ 12 – 15% vừa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo mức giá phù hợp cho người dân.

Thời gian tới, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung, doanh nghiệp vận tải nói riêng mong muốn, lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện các chính sách hỗ trợ vốn vay, giảm thuế, giúp doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn phục hồi sau thời gian dài bị tác động bởi dịch COVID-19./.