Được biết, Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng mã HS.08 của Mỹ (năm 2021 Việt Nam xuất khẩu nhóm hàng mã HS.08 vào thị trường Mỹ đạt 1,12 tỷ USD). Trong nửa đầu năm 2022, theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Houston, kim ngạch xuất khẩu nhóm HS.08 của Việt Nam vào Mỹ cũng mới đạt khoảng 572 triệu USD.
Xét về mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, cũng như thế mạnh về nông sản, hoa quả Việt Nam có thể khẳng định thị phần nhóm sản phẩm quả (bao gồm bưởi) xuất khẩu sang Mỹ chưa tương xứng với tiềm năng.
Để mở rộng đầu ra cho trái cây, các cơ quan chức năng, tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp liên quan đang tích cực quảng bá quả bưởi của Việt Nam để xuất khẩu.
Tin vui cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bưởi, nhất là tại các tỉnh trọng điểm trồng bưởi da xanh ở đồng bằng sông Cửu Long, đó là trong chuyến công tác của đoàn cán bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tới Mỹ mới đây, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, việc mở cửa thị trường cho quả bưởi của Việt Nam vào Mỹ đang được thúc đẩy tích cực và sẽ hoàn tất trong thời gian sớm nhất. Theo đó, bưởi da xanh của Việt Nam sẽ là loại trái cây thứ 7 được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Để quả bưởi Việt Nam vào thị trường Mỹ, trước tiên doanh nghiệp phải thông qua Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) để các cơ quan này hướng dẫn (trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn, chất lượng và các vấn đề liên quan).
Trong đó, FDA đóng vai trò giám sát và đánh giá chất lượng thực phẩm, dược phẩm có phù hợp với tiêu chí nhập khẩu vào Mỹ hay không. Tiếp cận hướng dẫn từ hai cơ quan này là việc trước tiên doanh nghiệp Việt Nam phải làm khi xuất khẩu bưởi sang Mỹ, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Houston khuyến nghị.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, muốn xuất khẩu trái cây (bao gồm quả bưởi) vào thị trường Mỹ, sản phẩm phải đáp ứng được ba tiêu chuẩn chính, gồm vùng trồng phải đạt tiêu chuẩn và được phía Mỹ ủy quyền cho cơ quan có chức năng nông nghiệp tại Việt Nam cấp mã số vùng trồng; nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Mỹ cấp mã số; sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn.
Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải nắm rõ quy trình xuất nhập khẩu đối với từng sản phẩm cụ thể, từng lô hàng, kiểm soát tốt chi phí từng công đoạn. Nên thông qua các nhà xuất khẩu, nhà môi giới có kinh nghiệm để kết nối với hệ thống cung ứng để thuận lợi hơn trong việc tìm cách đưa hàng vào thị trường Mỹ.