Bộ trưởng Tài chính Ai Cập lo ngại về nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu

Bộ trưởng Tài chính của Ai Cập - nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.
0005092644-001-20220523094801545-1653281509.jpg
Ảnh minh họa.

Theo các phương tiện truyền thông lớn trên thế giới vào ngày 22/5 (giờ địa phương), Bộ trưởng Tài chính Ai Cập, ông Mohammed Mait, đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng mất an ninh lương thực toàn cầu trong chuyến thăm tới Vương quốc Anh. Ông nói: “Cuộc khủng hoảng lương thực là một vấn đề rất quan trọng mà chúng tôi thực sự quan tâm".

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trước đó đã cảnh báo rằng, hàng chục triệu người có thể chết đói vì căng thẳng ở Ukraine. Ông Guterres cho biết, cuộc khủng hoảng lương thực có thể kéo dài trong vài năm vì cuộc xung đột ở Ukraine, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19. 7 nước lớn (G7) đã thành lập một tổ chức có tên là "Liên minh toàn cầu về an ninh lương thực" cùng với Liên hợp quốc vào tuần trước, nhằm cung cấp thực phẩm, phân bón, năng lượng và hỗ trợ tài chính để giúp các nước nghèo tránh nạn đói.

Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và 80% lượng lúa mì nhập khẩu của nước này đến từ Nga và Ukraine trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ.

Nền kinh tế Ai Cập đang rơi vào cảnh rối loạn do giá cả tăng cao, trong đó giá lương thực tăng nhanh do nguồn cung lúa mì bất ổn. Do đó, giá bánh mì đang ngày càng tăng, gây căng thẳng cho ngân sách và làm trì hoãn việc hợp lý hóa chương trình trợ cấp bánh mỳ trị giá 3 tỷ USD của chính phủ nước này.

Tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng của Ai Cập là 5% trước khi chiến tranh xảy ra, nhưng nay đã tăng đến 14,5%. Tuần trước, ngân hàng trung ương Ai Cập đã tăng lãi suất cơ bản thêm 2 điểm phần trăm để kiểm soát lạm phát.

Bộ trưởng Tài chính Mohammed Mait cho biết, các cuộc đàm phán cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang diễn ra rất tốt, yêu cầu đàm phán về một gói cứu trợ vào tháng 3. Chính phủ Ai Cập thông báo có thể sẽ bán một số tài sản thuộc sở hữu nhà nước để tăng nguồn thu cho chính phủ. Bộ trưởng Mait giải thích rằng cả Chính phủ Ai Cập và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều không đưa ra bất kỳ đề xuất cụ thể nào liên quan đến quy mô của gói cứu trợ.

Bộ trưởng Mait cho biết, ông tin tưởng nền kinh tế Ai Cập sẽ không rơi vào suy thoái trong năm nay, bất chấp việc giá cả tăng cao và tình hình tài chính của chính phủ ngày càng xấu đi. Chính phủ Ai Cập kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm tài chính mới bắt đầu vào tháng 7 tới đây.