Ai Cập tìm cách đa dạng hóa nguồn cung lúa mì

Trong một nỗ lực nhằm đa dạng hóa nguồn cung lúa mì và đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Ai Cập vừa thông báo mời thầu quốc tế đối với các hợp đồng nhập khẩu lúa mì, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine (U-crai-na), hai nhà sản xuất lúa mì hàng đầu của thế giới, có thể gây gián đoạn nguồn cung.
gia-lua-mi-1633676131-width698height391-1646007708.jpeg
minh họa

Trong một thông báo, Tổng cục Cung ứng Hàng hóa thuộc Bộ Cung ứng và Nội thương Ai Cập cho biết kế hoạch vận chuyển hàng sẽ được thực hiện trong giai đoạn từ ngày 13-26/4. Tại cuộc họp với Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi ngày 27/2, Bộ trưởng Cung ứng và Nội thương Ai Cập Ali el Moselhi cho biết kho dự trữ lúa mì chiến lược của nước này hiện chỉ đủ cho 4 tháng.

Mùa thu hoạch lúa mì ở quốc gia Bắc Phi này sẽ bắt đầu vào tháng 4/2022, với sản lượng ước đạt khoảng 4 triệu tấn. Theo ông Moselhi, kho dự trữ hiện nay cùng với sản lượng lúa mì sản xuất trong nước có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa của Ai Cập trong năm nay.

Ai Cập đã và đang chuẩn bị cho các kịch bản có thể xảy ra liên quan đến khả năng giá các hàng hóa leo thang trên thị trường thế giới, đặc biệt là lúa mì, do ảnh hưởng của cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine. Hai nước này hiện chiếm 29% lượng xuất khẩu lúa mì của thế giới. 

Ai Cập là nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, với tổng khối lượng nhập khẩu 13 triệu tấn/năm. Nga và Ukraine là hai nhà cung cấp lúa mì lớn nhất cho Ai Cập, chiếm tới 80% lượng lúa mì nhập khẩu của quốc gia Bắc Phi này trong năm 2021, trong đó Nga chiếm 50% và Ukraine chiếm 30%. Lúa mì là loại lương thực chủ chốt tại Ai Cập. Theo số liệu chính thức, hiện hơn 72 triệu người tại nước này đang thụ hưởng chính sách trợ giá bánh mì và một số mặt hàng khác.

Ai Cập có thể nhập khẩu lúa mì từ 14 quốc gia khác, trong đó có Mỹ, Argentina (Ác-hen-ti-na), Canada (Ca-na-đa) và Paraguay (Pa-ra-goay), song hiện chưa rõ liệu các thị trường này có thể giúp khắc phục được tình trạng thiếu hụt lúa mì ở Ai Cập trong bối cảnh hiện nay hay không. Ai Cập phụ thuộc vào nguồn cung lúa mì từ Nga và Ukraine vì hai yếu tố chủ chốt.

Thứ nhất, lúa mì từ hai quốc gia này có giá thấp hơn 10% so với mức giá trung bình trên thị thường thế giới. Thứ hai, Ai Cập gần với Nga và Ukraine về mặt địa lý, do đó thời gian vận chuyển hàng hóa chỉ mất 10 ngày, trong khi thời gian vận chuyển từ Mỹ mất 24 ngày và từ Argentina mất 28 ngày./.