Cà Mau có bờ biển dài 254km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước; là tỉnh duy nhất có 3 mặt giáp biển chạy từ phía biển Đông sang vịnh Thái Lan. Diện tích vùng biển Cà Mau khoảng 80.000km2, với độ sâu trung bình từ 30-40m, nơi sâu nhất 80m; trong lòng biển có nhiều loài tôm cá, dưới thềm lục địa có trữ lượng dầu khí và khí đốt rất lớn. Biển Cà Mau ít chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới nên tàu thuyền có thể hoạt động quanh năm trên biển, rất thuận lợi cho việc khai thác tài nguyên trên biển. Cà Mau có 6/9 huyện, thành phố ven biển với 23/101 xã, thị trấn tiếp giáp biển.
Tiềm năng, lợi thế và những hạn chế...
Vùng biển Cà Mau có 3 cụm đảo ven bờ gồm: Cụm đảo Hòn Khoai, Cụm đảo Hòn Chuối và Cụm đảo Hòn Đá Bạc. Tiềm năng của các Cụm đảo này rất lớn như: Phát triển du lịch, xây dựng Cảng biển nước sâu, nuôi trồng hải sản ven đảo…, có vị trí chiến lược rất quan trọng trong quốc phòng, an ninh trên biển.
Những năm qua, thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, tỉnh Cà Mau thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế biển, đã đạt được những kết quả quan trọng; Nhận thức của hệ thống chính trị, nhân dân nói chung, nhất là vùng ven biển về vị trí vai trò của biển đảo đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới biển được nâng lên rõ rệt.
Song, nhìn chung kinh tế biển của địa phương chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Tỷ trọng đóng góp về giá trị của các huyện ven biển của tỉnh còn thấp. Hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế vùng biển, đảo. Hệ sinh thái ven biển và quanh các cụm đảo ngày càng suy giảm, ô nhiễm môi trường ở một số nơi có chiều hướng tăng. Chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch biển chưa hấp dẫn du khách. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động khai thác thủy hải sản chưa hiệu quả,…
Tại cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời hiện có trên 2.500 phương tiện lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh đang hoạt động các nghề đánh bắt khai thác thủy sản trên các vùng biển. Tuy nhiên, số phương tiện có đủ điều kiện hoạt động đảm bảo thủ tục, trang bị và không gây ô nhiễm môi trường sinh thái biển chỉ chiếm tỷ lệ ít. Trong đó, số phương tiện đánh bắt bằng các nghề giã cào, nghề chong đèn câu mực và đẩy te đang trực tiếp hủy hoại môi trường biển chiếm đa số. Thậm chí, có nhiều trường hợp lén lút sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản gây hủy diệt nguồn tài nguyên.
Đại úy Võ Công Bằng - Trạm trưởng, Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc cho biết: Vào thời gian cao điểm khoảng từ ngày 8 đến 11 Âm lịch ở cửa biển này mỗi ngày có hàng trăm lượt phương tiện đánh bắt khai thác thủy sản trên biển trở vào bờ vừa để bán sản phẩm vừa bảo trì, bảo dưỡng máy móc, làm lại ngư lưới cụ, vệ sinh phương tiện cho chuyến biển tiếp theo. Các hoạt động đó phần nào trực tiếp gây ô nhiễm môi trường trên sông, trên biển. Theo đó, khi các phương tiện bốc dở hàng từ khoang hầm lên để phân loại thủy sản thì nước rửa cuốn theo các chất bẩn như rác, cá tôm vụn nát đều trôi theo xuống sông. Bên cạnh đó, một số chủ vựa thu mua thủy sản cũng chưa có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường xung quanh, nhiều loại chất thải đều sả trực tiếp xuống sông.
Các hình thức đánh bắt trên biển thường gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất là giã cào, vì giã cào phải sử dụng miệng lưới cào lớn, gắn dường chì nặng, mỗi miệng cào rộng 40 – 50 mét, khi tàu chạy thì kéo miệng cào đi ăn sâu xuống lớp mặt bùn dưới đáy biển. Với hình thức này tất cả các loại rong, tảo, bùn đất trên mặt đáy biển đều cuộn lên chạy vào túi giã cào. Khi kéo đục cào lên boong tàu nặng vài tấn thập cẩm các loại thủy sản và rong rác. Sau khi lựa lấy tôm, cá thì chủ tàu lại gạt đống hổn tạp kia xuống biển tạo nên những vùng nước đục ngàu ô nhiễm.
Cùng với nghề giã cào, những năm gần đây trên vùng Tây Nam còn xuất hiện thêm nghề cào banh lông (hải sâm dừa). Loại hình cào hải sâm không làm chết ngay các nguồn lợi, nhưng với cái lồng sắt hình chữ nhật, miệng rộng từ 2,5 đến 3,5 mét, có lưỡi nhọn, mỏng cày sâu xuống đáy bùn từ 30 đến 40 cm để móc hải sâm nổi lên lăn vào lồng. Tàu kéo chạy đến đâu thì cả một vùng biển đó sôi sục vì lớp bùn trên mặt đáy bị xới tơi tả trôi lên mặt nước. Theo các nhà hải dương học thì: Lớp bùn trên mặt biển như một lớp thảm cho các loại thủy sản trú ngụ và sinh sản, khi bị xới cuộn lên sẽ gây ô nhiễm môi trường nước và các loại thủy sản không còn chổ dựa, hoặc chết do nguồn nước ô nhiễm.
Trước thực trạng đó, BĐBP Cà Mau đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền vận động ngư dân không đánh bắt, khai thác hải sâm. Đồng thời qua công tác tuần tra, chỉ tính từ tháng 12/2018 đến hết tháng 5/2022, các Đồn biên phòng trong tỉnh Cà Mau đã phát hiện, tịch thu và xử lí theo quy định của pháp luật gồm 17 bộ khung cào hải sâm dừa, phối hợp tiêu hủy trên 1.000 kg hải sâm theo quy định.
Nỗ lực của Bộ đội Biên phòng để bảo vệ môi trường biển
Bằng trách nhiệm của mình, mỗi đợt hết con nước đánh bắt thủy sản ngoài biển của ngư dân trở về, cán bộ chiến sĩ Trạm kiểm soát Biên phòng Sông Đốc đều tranh thủ thời gian vừa làm thủ tục vừa tuyên truyền nhắc nhở chủ tàu chấp hành nơi neo đậu, khi bốc dở bán hàng phải thu gom rác thải như bọc ni lông không được ném xuống sông.
Thiếu tá Trần Thanh Ngoan – Chính trị viên Đồn biên phòng Sông Đốc chia sẻ: "Để giữ gìn môi trường, Đồn Biên phòng Sông Đốc thường xuyên tổ chức các tổ công tác đến từng tàu của ngư dân để vận động họ không được sả rác thải xuống sông, như túi bọc ni lông, cá phân hư thối, đặc biệt nghiêm cấm đổ dầu nhớt, dầu thừa xuống sông, xuống biển và khi hoạt động đánh bắt trên biển phải chấp hành nghiêm vùng tuyến và nghề đã đăng ký".
Trạm kiểm soát kết hợp đội vận động quần chúng đến những chủ doanh nghiệp thu mua và các gia đình có nhiều phương tiện để gặp gỡ, vận động và giải thích cho họ biết về tác hại của chất thải đối với môi trường sống, việc thu gom rác phải được các gia đình, chủ doanh nghiệp tự giác, tạo thói quen trong kinh doanh và ý thức cộng đồng. Qua các buổi vận động các chủ doanh nghiệp và nhân dân đều đồng tình hưởng ứng. Đến nay, trên dọc hai bên bờ sông đã có hàng chục doanh nghiệp và chủ phương tiện đăng ký bảo vệ môi trường bằng việc tự thu gom rác và xử lí chất thải.
Anh Trần Văn Xuân – Thuyền trưởng tàu thu mua CM 9432 TS ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho biết: "Do điều kiện chung của cửa biển Sông Đốc chưa có nơi thu gom và xử lí rác thải công nghiệp, hoặc có nhưng chỉ xử lí theo dạng thủ công và lượng thu gom của địa phương chỉ là số ít. Vì vậy, rác sinh hoạt của người dân trong vùng chủ yếu thải xuống sông hoặc khu vực gần nhà ở. Với các vựa thu mua thì chất thải chủ yếu là nước sau khi rửa cá, mực và bảo dưỡng vệ sinh tàu.
Những chất thải này cũng đã gây ô nhiễm môi trường, nhưng biết xử lí thế nào cho triệt để thì chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn. Để hạn chế đến mức thấp nhất về thải chất bẩn xuống sông, chúng tôi tổ chức cho người thu gom đưa lên bờ để tiêu hủy tập trung. Những bọc ni lông đựng hải sản sau khi thải ra được thu gom và bán lại với giá 3.000 đồng/ký. Khi bão dưỡng máy móc thì đưa vào ụ tàu, sử dụng thùng phuy chứa đựng dầu nhớt củ. Khi hoạt động đánh bắt trên biển cũng chấp hành nghiêm vùng, tuyến đã đăng ký, đặc biệt không hoạt động sai nghề để bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản".
Tuy nhiên, trong thời gian qua do nguồn lợi cạn kiệt, một số ngư dân địa phương đã lén lút sử dụng phương tiện nhỏ lắp đặt kích điện để hoạt động nghề giã cào và đẩy te trong cạn gây hủy hoại nguồn lợi và môi trường sinh thái biển. Với hình thức đánh bắt bằng điện thì trên tàu, người thuyền trưởng chỉ cần bấm nút, cá, tôm và các loại ấu trùng sinh vật biển nằm trong khu vực dòng điện trên 220V phóng ra là tất cả đều bị giật chết trước khi chui vào miệng lưới cào. Mấy năm trước, tình trạng sử dụng kích điện để khai thác thủy sản ở Cà Mau khá phổ biến, nhưng chỉ tập trung nhiều trong vùng nông thôn, nơi có nhiều cá đồng, hoặc trong các kênh, rạch. Và ven các cửa biển trong tỉnh Cà Mau đã có tình trạng sử dụng bộ kích điện để khai thác hải sản ven bờ nhưng đã được BĐBP phát hiện, ngăn chặn, đồng thời bắt xử lí hàng chục vụ, thu giữ nhiều bộ kích điện. Từ năm 2018 đến hết tháng 5/2022, BĐBP Cà Mau vẫn phát hiện thu giữ 25 bộ kích điện, 11 bình ắc quy dùng đánh bắt thủy sản; qua đó đơn vị quyết định tước bằng thuyền trưởng 3 tháng đối với 7 trường hợp; tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản 45 ngày đối với 5 phương tiện và 6 tháng với 3 phượng tiện do vi phạm các quy định trong hoạt động đánh thủy sản.
Việc bảo vệ môi trường và tài nguyên biển đang đặt ra cho các ngành chủ quản nhiều thách thức. Cùng với, các cấp các ngành chức năng tỉnh Cà Mau, trong những năm qua cán bộ, chiến sĩ BĐBP Cà Mau đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền nhân dân bảo vệ môi trường. Thông qua nhiều hình thức như tuyên truyền ngư dân không sả chất thải xuống sông, xuống biển; không đánh bắt thủy sản bằng các thiết bị hủy diệt như kích điện, hoạt động sai vùng tuyến quy định.
Trung tá Nguyễn Chí Nguyện – Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Cà Mau cho biết: "Tỉnh Cà Mau xác định rõ phạm vi phát triển kinh tế biển, phân vùng từng khu vực, vùng nào cần làm gì, ngành nghề gì phù hợp, phát triển kinh tế vùng ven biển, kinh tế biển gắn với đất liền; đề ra phương hướng quy hoạch lại cụm kinh tế ven biển, đảo gắn với cụm dân cư để phát triển toàn diện, bền vững, phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch biển đảo là thế mạnh.… Từ mục tiêu, nhiệm vụ đến giải pháp đề ra phù hợp thực tiễn. Đặc biệt là tích cực nghiên cứu những ngành nghề chuyển đổi cho bà con, trong đó có những hộ đang mưu sinh bằng phương tiện nhỏ chưa đảm bảo an toàn, cũng như những hộ khai thác ven bờ dẫn đến cạn kiệt tài nguyên biển. Những huyện ven biển dần quy hoạch lại cụm dân cư, gắn với đầu tư các công trình kè chắn sóng đảm bảo an toàn cho người dân sống ven biển".
Bên cạnh đó, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị cơ sở tích cực tuyên truyền về hậu quả của biến đổi khí hậu với đời sống con người, ý thức trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường biển cũng như môi trường sống, từ đó xác định ý thức, trách nhiệm và quyết tâm tham gia có hiệu quả các hoạt động làm sạch biển và bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản...