Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân báo cáo tình hình tồn kho, dự trữ gạo

Mới đây, Bộ Công Thương vừa yêu cầu các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo trước ngày 03/8/2023 tình hình lượng thóc, gạo tồn kho; tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong bối cảnh thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước như Ấn Độ, Các Tiểu Vương quốc Arab (UAE), Nga. Cùng với đó là hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực; diễn biến địa chính trị còn tiếp diễn (Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen)…

kho-1690968569.jpg
Ảnh minh họa.

Để góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa cũng như bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá thóc gạo trong nước; đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, tiếp theo công văn ngày 21/7, Bộ Công Thương đề nghị VFA và thương nhân thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo đó, phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thống tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, báo cáo tình hình lượng thóc, gạo tồn kho; việc ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP nêu trên.

Cục Xuất nhập khẩu cũng yêu cầu chủ động theo sát tình hình thị trường thương mại toàn cầu; trao đổi với VFA và kịp thời báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo trên thị trường trong nước và quốc tế; đề xuất giải pháp phù hợp với bộ, ngành liên quan.

Cục yêu cầu các thương nhân báo cáo nội dung nêu trên, gửi về Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trước ngày 03/8/2023.

Theo số liệu của VFA, giá gạo 5% tấm xuất khẩu tại ngày 01/8 đã tăng vọt lên mức 588 USD/tấn, đứng thứ 2 trong số các thị trường cung cấp gạo trên thế giới (đứng đầu là Thái Lan với 623 USD/tấn). Đây là mặt bằng giá xuất khẩu gạo cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây của gạo Việt Nam.
Ánh Dương (t/h)