Bộ Công Thương lý giải giá ôtô ở Việt Nam cao hơn Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan

Với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam hiện là thị trường ô tô tiềm năng hàng đầu khu vực ASEAN. Tuy nhiên, so với các nước trong Khu vực về phát triển công nghiệp sản xuất ô tô thì Việt Nam chịu thiệt thòi là đã phải hội nhập khu vực khi thị trường còn nhỏ để tổ chức sản xuất kinh doanh quy mô lớn, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá xe ô tô cao.

Cụ thể, Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Bộ Tài chính, đánh giá tác động của việc không áp dụng quy định về mức độ rời rạc đối với linh kiện ô tô nhập khẩu. Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết đến cuối năm 2022, cả nước có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.

Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 65%, với sản lượng sản xuất lắp ráp đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Nhiều hãng lớn trên thế giới đã có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu, một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Philippines… trong đó đặc biệt là đối với xe tải, xe bus.

Bộ Công Thương nêu thực tế: "Mặc dù, đã đạt được những kết quả nhất định, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự (phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản), dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực".

Theo đó, giá bán xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với Thái Lan, Indonesia và cao hơn các nước có công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Mỹ, Nhật Bản. Nguyên nhân khiến giá bán xe tại Việt Nam ở mức cao do thuế và phí cao, sản lượng tích luỹ trong nước thấp (doanh nghiệp sản xuất dưới công suất thiết kế).

vuot-mat-duc-trung-quoc-la-nha-xuat-khau-xe-hoi-lon-thu-2-toan-cau-1674013290-1678462874.jpeg

Ảnh minh họa.

Hiện nay, mỗi chiếc ôtô muốn lăn bánh sẽ phải chịu các loại thuế, gồm thuế nhập khẩu (trừ xe sản xuất, lắp ráp trong nước), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, ô tô còn chịu các loại phí, như phí trước bạ, phí kiểm định, phí bảo trì đường bộ, phí cấp biển ôtô, phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc.

Từ thực tế trên, Bộ Công Thương đề xuất chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô cần dựa trên nhiều tiêu chí. Trong đó, có việc người tiêu dùng có thể tiếp cận ô tô với mức giá rẻ hơn.

Để đạt mục tiêu này, Bộ Công Thương kiến nghị bộ Tài chính bỏ không áp dụng quy định mức độ rời rạc tối thiểu của linh kiện ô tô nhập khẩu để thực hiện Chương trình ưu đãi thuế với sản xuất, lắp ráp ô tô và phân loại linh kiện ô tô nhập khẩu.

Thị trường tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ?

Theo nhận định của Bộ Công Thương, thị trường ô tô trong nước vài năm gần đây tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng. Với tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường xe con dưới 9 chỗ như hiện nay (trung bình 20 - 30%/năm), Việt Nam sẽ là thị trường tiêu thụ ô tô rất tiềm năng trong khu vực.

Trong năm 2020, Việt Nam đã vượt qua Philippines trở thành thị trường tiêu thụ ô tô lớn thứ 4 ở khối ASEAN (sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia).

Tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới do GDP bình quân đầu người đã vượt mức 4.000 USD và số xe trung bình trên 1.000 dân đã đạt khoảng 50 xe (mặc dù vẫn thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan (280 xe/1.000 dân), Malaysia (542 xe/1.000 dân). "Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa cao cũng như sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Dự kiến nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ trong giai đoạn đến 2025", Bộ Công Thương đánh giá.

Tuy nhiên, cơ quan này nhận định, sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu. Đặc biệt, sự cạnh tranh từ ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đến chủ yếu từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia (chỉ tính riêng lượng ô tô nhập khẩu từ 2 quốc gia này đã chiếm khoảng trên dưới 50% tổng lượng ô tô nhập khẩu tại Việt Nam) và trong vòng 7 - 10 năm tới là các sản phẩm ô tô từ các quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Ngoài ra, một số quốc gia trong khu vực như Indonesia và Thái Lan đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới, từ đó cơ hội thu hút các hãng ô tô đầu tư sản xuất lớn ở Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh sức ép từ các quốc gia đi trước, Việt Nam sẽ còn phải chịu sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau trong khu vực (Myanma, Lào, Campuchia) trong việc thu hút các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô.

Thi Nguyên (t/h)