Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương tổ chức đổi rác thải tái chế lấy quà tặng

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6); "Tháng Hành động vì Môi trường năm 2023", các địa phương Bình Dương đã ra quân thực hiện chương trình “Đổi rác thải tái chế lấy quà tặng”.

Chương trình "Đổi rác lấy quà" là hoạt động nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức và chuyển biến hành vi cộng đồng về thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư. Đây là một chương trình ý nghĩa thu hút được nhiều người dân tham gia.

Cụ thể, tại phường Lái Thiêu (TP. Thuận An), Uỷ Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ cùng các đơn vị tổ chức, trong ngày đầu ra quân đã đổi hơn 200 phần quà với tổng kinh phí các phần quà là 4 triệu đồng. Được biết, chương trình đã thu được 1.302 vỏ lon bia, vỏ lon nước ngọt, chai nhựa cùng 62kg giấy vụn, tập sách báo cũ các loại.

doi-rac-lay-qua-1685587545.jpg
Đổi rác lấy quà, hành động vì môi trường. (Ảnh: Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam)

Chương trình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”; các tác hại của rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy và chuyển sang dùng túi sử dụng nhiều lần nhằm thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, phân loại rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, từng bước xây dựng phường Lái Thiêu trở thành phường văn minh, đô thị phát triển bền vững.

Tiếp đó, là chương trình “Đổi rác thải tái chế lấy quà tặng” do UBND phường Định Hòa (TP. Thủ Dầu Một) tổ chức, nhiều người dân cũng đã mang những túi rác thải có thể tái chế để sử dụng lại đến đổi lấy quà tặng là những nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày. Ghi nhận trong ngày ra quân, Ban Tổ chức đã thu được 670 chai, lon các loại, 275 mẩu quảng cáo rao vặt và 45kg giấy.

Phát biểu tại chương trình, ông Phạm Hùng Sơn, Chủ tịch UBND phường Định Hòa mong muốn tất cả hộ dân trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh chung tay cùng địa phương trong công tác bảo vệ môi trường bằng những việc làm nhỏ hàng ngày như bỏ rác đúng thời gian, đúng nơi quy định; Tham gia tổng vệ sinh quét dọn trước nhà hàng ngày, không đổ rác thải rắn xuống hố ga; Không xả nước thải ra môi trường khi chưa qua xử lý; Trang bị thùng rác tại các cơ sở kinh doanh và phân loại chất thải rắn ngay tại nguồn...

Rác thải đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải gây ra. Do đó, ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng trong giảm thiểu ô nhiễm rác thải và bảo vệ môi trường. Theo đó, cần thực thi đồng bộ các giải pháp mang tính pháp lý, kinh tế và nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng. Các biện pháp tận dụng, tái chế rác thải không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về phát triển bền vững, mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng đến.
Ánh Dương (t/h)