Bình Định:

Ấn tượng cụm linh vật Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Vườn hoa đất Võ”

Chiều ngày 21/1, tại Quảng trường biển Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn, Bình Định), tỉnh Bình Định tổ chức khánh thành cụm linh vật Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Vườn hoa đất Võ”.

Tham dự lễ khánh thành có các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định, cùng các cán bộ, lãnh đạo và đông đảo người dân, du khách tại TP Quy Nhơn.

6523f7cc3383dadd8392jpg-1737546717.webp
Lãnh đạo tỉnh Bình Định bên cụm linh vật Ất Tỵ 2025 với nhiều kỳ vọng, hứa hẹn năm mới phát triển mới.

Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định giới thiệu, cụm linh vật Ất Tỵ 2025 Bình Định năm nay lấy ý tưởng từ tượng rắn thần Naga 5 đầu tại di tích quốc gia đặc biệt Tháp Chăm Dương Long (huyện Tây Sơn, Bình Định).

8e1a1ff5dbba32e46babjpg-1737546716.webp
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn trao hoa cho đơn vị xã hội hóa thực hiện cụm linh vật.

Cụm linh vật lấy hình tượng tháp Chăm cổ Dương Long và tượng rắn Naga làm chủ đạo, trong đó, tháp cổ có chiều cao 7,5m, linh vật rắn thần 5 đầu cao 5m, xung quanh bài trí nhiều hiện vật, không gian độc đáo mang bản sắc văn hóa Bình Định và Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam.

1-1737546717.jpg
Linh vật Rắn thần Naga 5 đầu có chiều cao 5m.

Theo ông Lợi, trong tiếng Phạn, Naga nghĩa là rắn hổ mang lớn. Rắn Naga là con vật thần thoại, thường được thể hiện với hình thể độc đáo: nhiều đầu (thường là 5, 7 hoặc 9 đầu) và chiếc mang phình ra rất to, che phủ nhiều đầu.

“Theo quan niệm người xưa, rắn Naga là linh hồn của thiên nhiên, bảo vệ các nguồn nước như sông, suối, mạch ngầm, giúp mùa màng tốt tươi. Do vậy, rắn thần Naga biểu tượng cho sự thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc”, ông Lợi cho biết.

Ngoài ra, theo thần thoại trong văn hóa Chămpa, rắn thần Naga có nhiệm vụ canh giữ đền tháp, bảo vệ đạo pháp. Trong nghệ thuật kiến trúc Chăm ở Việt Nam, hình tượng rắn Naga được thể hiện nhiều nhất tại tháp Dương Long, có niên đại cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13.

3-1737546717.jpg
Lãnh đạo tỉnh Bình Định tham quan cụm linh vật phụ.

Cụm linh vật phụ ở mặt sau hướng ra biển lấy hình tượng linh vật xuân Ất Tỵ với tạo hình cách điệu hiện đại theo xu hướng chuyển đổi số và phát triển công nghệ, phía sau là tạo hình hai bàn tay nắm chặt tượng trưng cho sự đoàn kết, quyết tâm của Bình Định cùng với cả nước vươn mình trong kỷ nguyên mới. 

10-1737547006.jpg
Cụm linh vật Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành thu hút rất đông người dân đến tham quan, chụp ảnh.
5-1737546717.jpg
Khi nhìn từ trên cao, vườn hoa được bố trí tạo hình 2 linh vật rắn lớn với chiều dài hơn 50m.

Bên cạnh cụm biểu tượng chính, còn có các biểu tượng phụ thể hiện bản sắc văn hóa, tài nguyên du lịch, sản phẩm đặc trưng, khát vọng vươn xa của Bình Định… đan xen là khu vườn hoa với quy mô dài 120m, rộng 40m, xếp đặt hơn 40.000 chậu hoa, lá./.

Nguyễn Thuyết