Để thực hiện nhiệm vụ này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly cho biết, tỉnh đã chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc tăng cường tiến hành kiểm tra, thanh tra hoạt động của các cơ sở sản xuất giống cũng như vận chuyển tôm giống nhập tỉnh; yêu cầu khắc phục hoặc xử lý đối với các cơ sở chưa đủ điều kiện.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang đẩy nhanh triển khai thực hiện quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất giống, củng cố, phát triển các cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh; từng bước xây dựng để Bạc Liêu trở thành trung tâm sản xuất tôm giống có quy mô lớn, chất lượng cao, có uy tín ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.
Cùng đó, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các trung tâm đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật ngành thủy sản để đào tạo nguồn nhân lực cho các trại sản xuất, kinh doanh tôm giống; chuyển giao, phổ biến quy trình sản xuất giống sạch cho các trại sản xuất giống địa phương, từng bước nâng cao chất lượng sản xuất giống tại chỗ. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người nuôi tôm, lựa chọn con giống tại những cơ sở sản xuất có uy tín, chất lượng đảm bảo, có nguồn gốc rõ ràng.
Thời gian qua, mỗi khi bước vào mùa vụ sản xuất mới là người nuôi tôm tại Bạc Liêu có lắm nỗi lo, đặc biệt là việc mua phải tôm giống kém chất lượng về thả nuôi dẫn đến thiệt hại. Bằng mắt thường, người nuôi tôm không thể nhận biết tôm giống sạch bệnh, tôm giống kém chất lượng, từ đó dẫn đến thiệt hại đáng tiếc.
Anh Trần Văn Lợi, hộ nuôi tôm ở xã Long Điền, huyện Đông Hải chia sẻ, sự thành bại của nghề nuôi tôm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng yếu tố đầu tiên cũng là yếu tố mang tính quyết định chính là con giống. Người dân nếu mua phải tôm giống nhiễm bệnh, tôm giống kém chất lượng thì cầm như thất bại ngay từ đầu.
Anh Lợi kiến nghị chính quyền các cấp cùng ngành chức năng cần tăng cường quản lý chất lượng tôm giống để hạn chế thấp nhất nguồn giống kém chất lượng, nhiễm bệnh bài bán trôi nổi trên thị trường.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 138 nghìn ha nuôi tôm với nhiều mô hình khác nhau như: nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, tôm - lúa, tôm - rừng... Nghề nuôi tôm đã được tỉnh xác định là ngành kinh tế mũi nhọn.
Dù còn có những hạn chế trong các khâu của quá trình nuôi tôm; trong đó có sản xuất giống do nhiều cơ sở có quy mô nhỏ lẻ chưa đáp ứng tốt các quy định, nhưng với quyết tâm trở thành thủ phủ ngành tôm của cả nước, tỉnh Bạc Liêu đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản xuất tôm giống được xem là ưu tiên hàng đầu.
Năm 2021, các cơ sở sản xuất giống của tỉnh Bạc Liêu cung cấp ra thị trường 35 tỷ tôm sú và tôm thẻ giống, 800 triệu tôm càng xanh giống. Với năng lực sản xuất như vậy, tỉnh Bạc Liêu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất tôm giống các loại.
Tuy vậy, trong số gần 420 cơ sở giống thì số lượng các cơ sở sản xuất tập trung, có quy mô lớn, đảm bảo các điều kiện quy định còn ít. Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, làm ra con giống không đảm bảo chất lượng, người dân mua về thả nuôi dẫn đến thiệt hại./.