Bảo tồn và phát triển nội vi tài nguyên di truyền thực vật lương nông (Phần V)

Điều tra và kiểm kê tài nguyên di truyền thực vật lương nông, nhận thức được tầm quan trọng của việc nghiên cứu toàn diện tài nguyên di truyền thực vật lương nông là rất quan trọng.
udcnsh-800x445-1657194259.jpg
Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen thực vật là nhiệm vụ lâu dài

Chính phủ Việt Nam đã đưa vào tầm nhìn đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2020 và kế hoạch hành động 5 năm 2006 - 2010 ưu tiên điều tra tài nguyên di truyền thực vật nói chung và tài nguyên di truyền thực vật nông nghiệp nói riêng, nhằm xác định những loài cần ưu tiên bảo tồn và để xây dựng chiến lược bảo tồn và phát triển chúng cho sử dụng bền vững.

Hỗ trợ việc quản lý và phát triển trên đồng ruộng tài nguyên di truyền thực vật lương nông: Có hơn 20 hoạt động, triển khai bởi 16 cơ quan với sự tham gia của khoảng 15.000 lượt cán bộ địa phương và nông dân. Dưới đây là một số dự án liên quan: “Tăng cường cơ sở khoa học về bảo tồn trên đồng ruộng đa dạng sinh học nông nghiệp” thông qua 3 mục tiêu cụ thể:

1. hỗ trợ xây dựng cơ sở lý luận phục vụ quá trình ra quyết định của nông dân về bảo tồn nội vi đa dạng sinh học nông nghiệp;

2. tăng cường năng lực của các cơ quan trong việc lập kế hoạch và triển khai các chương trình bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật nông nghiệp;

3. mở rộng việc sử dụng tài nguyên di truyền thực vật lương nông, và thúc đẩy sự tham gia của các cộng đồng nông dân và các tổ chức, ngành nghề khác trong công tác bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật lương nông.

Thông thường, vùng là các huyện và tiểu vùng là các xã, thôn bản với những đặc tính về nông nghiệp, xã hội, kinh tế và điều kiện tự nhiên, vừa đặc trưng vừa đại diện cho vùng sinh thái được lựa chọn để nghiên cứu các khía cạnh về sinh học, kinh tế và xã hội liên quan và xây dựng các mô hình bảo tồn trên đồng ruộng.

Các hoạt động đã đạt được một số những kết quả đáng kể, các mô hình bảo tồn trên đồng ruộng của hộ gia đình đã được thiết lập cho lúa và khoai môn sọ tại các điểm đã lựa chọn, bao gồm 7 điểm thuộc 5 vùng sinh thái (Vùng núi phía Bắc: huyện Đà Bắc, Hoà Bình; Huyện Sapa, Lào Cai; Vùng bán sơn địa: huyện Nho Quan, Ninh Bình; Vùng châu thổ sông Hồng: huyện Nghĩa Hưng, Nam Định; Châu thổ sông Cửu Long: huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh; Vùng Tây Nguyên: huyện Krông Nô, tỉnh Đắc Lắc Huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Kết quả là những giống cây trồng cổ truyền có giá trị không những được duy trì mà còn được phục hồi và phát triển; một số đáng kể các giống địa phương của các loài cây trồng như lúa, ngô, rau và đậu đỗ với những đặc tính quý và được ưa chuộng đã được phục tráng và trồng trong sản xuất với qui mô lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng. Kiến thức bản địa liên quan đến bảo tồn và phát triển tài nguyên di truyền thực vật cũng được quan tâm nghiên cứu tại các điểm đã lựa chọn. “Tăng cường vai trò của vườn gia đình trong việc bảo tồn nội vi tài nguyên di truyền thực vật nông nghiệp” thông qua:

1. tư liệu hoá đa dạng về loài và đa dạng di truyền thực vật trong vườn gia đình, nghiên cứu các yếu tố sinh học, văn hoá và xã hội ảnh hưởng đến sự phân bố và duy trì sự đa dạng đó;

2. xây dựng phương pháp và cách tiếp cận để vườn gia đình trở thành một hợp phần của bảo tồn đa dạng sinh học nông nghiệp;

3. phát triển chiến lược “bảo tồn thông qua sử dụng” như là một phần của bảo tồn ngoại vi và nội vi. Dự án đã được triển khai tại Huyện Thuận An, tỉnh

Bình Dương, đại diện cho đồng bằng phía Nam; Huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định, đại diện cho đồng bằng phía Bắc; Huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình và huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đại diện cho vùng núi phía Bắc và huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đại diện cho vùng đồi núi Bắc Trung bộ. Tại những điểm này có vườn gia đình phong phú và đa dạng về tài nguyên di truyền thực vật, có các hộ gia đình giầu kinh nghiệm làm vườn.

Các loài thực vật phổ biến, phân bố rộng rãi trong vườn gia đình, các loài cây đặc hữu, đa dạng di truyền cao, có giá trị kinh tế xã hội lớn, có vai trò quan trọng trong sinh kế hộ gia đình, đồng thời lại có thể được bảo tồn và sử dụng bền vững, đã được chọn làm những loài tiêu biểu để dự án nghiên cứu, bao gồm chuối, bưởi, mướp, khoai môn sọ…

Các vấn đề về giới tính liên quan đến bảo tồn và phát triển tài nguyên di truyền thực vật lương nông trong vườn gia đình cũng được quan tâm nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định vườn gia đình là nơi bảo tồn in situ lý tưởng cho nhiều loài cây trồng không thể trồng trên đồng ruộng và nhiều loài đặc hữu khác.

“Bảo tồn trên đồng ruộng tài nguyên di truyền cây lúa ở cộng đồng” thông qua việc:

1. Thu thập nguồn gen lúa địa phương để bảo tồn nhằm ngăn ngừa việc mất mát do cơ giới hoá và thâm canh nông nghiệp;

2. Khởi xướng các hoạt động bảo tồn và phát triển tài nguyên di truyền cây lúa tại cộng đồng;

3. Hỗ trợ nông dân bảo tồn các giống lúa địa phương trên đồng ruộng của họ.

Với dự án này tại lưu vực sông Cửu Long, khoảng 1.000 nguồn gen lúa địa phương đã được thu thập. Sau khi loại bỏ trùng lặp, còn lại 812 nguồn gen đưa vào bảo quản và đánh giá tại Trường Đại học Cần Thơ, trong đó 517 giống đã được phổ biến trở lại cho nông dân trồng và đánh giá trong các điều kiện sinh trưởng khác nhau. Nông dân tại các vùng được chọn đã được hỗ trợ để trồng, bảo tồn các giống lúa truyền thống trên cánh đồng của họ. Kết quả là nhiều giống địa phương không những được bảo tồn mà còn được phát triển, và nhờ vậy phương pháp “Bảo tồn thông qua sử dụng” đã được khởi xướng.

“Thúc đẩy công tác quản lý trên đồng ruộng tài nguyên di truyền thực vật với sự tham gia của cộng đồng” thông qua điều tra, khảo sát đa dạng sinh học nông nghiệp tại các vùng được chọn; phục hồi đa dạng của một số loài nhằm bảo vệ môi trường tại các vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau; tăng cường dạng loài cây trồng trong các cơ cấu mùa vụ; và đa dạng hoá cây trồng và các hệ sinh thái. Bằng việc hỗ trợ cộng đồng tiếp cận các nguồn giống cây địa phương và trao đổi kiến thức bản địa, các dự án đã thúc đẩy việc tham gia của nông dân vào công tác bảo tồn và sử dụng các nguồn gen thực vật không có giá trị cao về kinh tế nhưng mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Đây chính là cơ sở để phát triển công tác bảo tồn và phát triển nội vi tài nguyên di truyền thực vật lương nông, kể cả đối với các loài hoang dại có quan hệ gần gũi với cây trồng. Thành tựu nổi bật nhất của các hoạt động này là đã xây dựng thành công qui trình nhân giống cho một số loài cây ăn quả, và đã phổ biến các kỹ thật canh tác cải tiến cho một số giống cây truyền thống.

Nhân dân trong vùng dự án do vậy đã có thể duy trì và phát triển các nguồn gen di truyền có giá trị trên đồng đất của họ mà vẫn cải thiện được thu nhập của gia đình. Dự án cũng đã xây dựng một số vườn ươm gọi là “vườn ươm cộng đồng”, tại đó gốc ghép cây ăn quả sạch bệnh được sản xuất và cung cấp cho nông dân trong vùng.

“Tăng cường bảo tồn nội vi các loài họ hàng với cây trồng và các loài hoang dại có giá trị nông nghiệp” có 8 chương trình, đề tài, hoạt động. Việc bảo vệ các loài cây họ hàng với cây trồng và những cây hoang dại có giá trị nông nghiệp trong các khu vực bảo vệ tự nhiên cũng đã được đẩy mạnh, và tổng số các khu bảo tồn thiên nhiên được nâng lên./.

* Bài Dự thì cuộc thi viết Vì Việt Nam Xanh

Nguyễn Văn Đĩnh