Bảo tồn và phát triển ngoại vi tài nguyên di truyền lương nông (Phần IV)

Trong hơn 20 năm qua, kể từ khi Kế hoạch hành động đa dạng sinh học quốc gia được thông qua (1995) bảo tồn ex-situ và phát triển tài nguyên di truyền thực vật lương nông đã được chú ý đầu tư đáng kể. Duy trì bền vững các tập đoàn ngoại vi (ex situ) hiện có: Có 30 đơn vị tham gia triển khai nội dung này.
lua-can-1-777x445-1657193891.jpg
Vẫn còn những giống lúa cần bảo tồn nguồn gen

Tổng số khoảng 40.000 nguồn gen cây trồng, thuộc khoảng 200 loài đã được thu thập và bảo tồn ngoại vi tại các vườn tập đoàn, tập đoàn trong ống nghiệm, hoặc tập đoàn hạt, bao gồm cả những vật liệu di truyền có giá trị kinh tế cao. Nhiều mẫu giống lưu giữ đã được sử dụng hiệu quả trong công tác cải tiến giống cây trồng. Đặc biệt là tại Ngân hàng gen cây trồng quốc gia, (VAAS), hơn 12.300 nguồn gen của 115 loài, bao gồm cả các giống địa phương, giống truyền thống và loài họ hàng hoang dại đang được lưu giữ.

Các tập đoàn đồng ruộng lưu giữ tại Trung tâm Tài nguyên Thực vật và tại các cơ quan khác trong hệ thống tài nguyên di truyền thực vật bao gồm khoai môn sọ, chuối, khoai lang, từ vạc, cây có múi, xoài, nhãn, ...v.v cũng là những vật liệu và là nguồn gen có giá trị lớn đối với công tác chọn tạo giống. Hàng năm có khoảng 1.000 nguồn gen từ các tập đoàn ngoại vi được sử dụng vào các mục đích nghiên cứu chọn tạo giống và công nghệ sinh học.

Phục hồi các mẫu giống bị đe doạ trong các tập đoàn: có 41 tập đoàn ngoại vi bị đe doạ đã được phục hồi bằng các phương pháp nhân mới, cứu phôi, thu thập lại tại 19 cơ quan nghiên cứu. Kết quả đạt được trong lĩnh vực này còn rất hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế.

Hỗ trợ việc thu thập và nhập nội tài nguyên di truyền thực vật lương nông theo kế hoạch và có mục tiêu: Có khoảng 28 chương trình, dự án hoạt động trong lĩnh vực này nhằm kiểm kê, thu thập, nhập nội, mô tả, đánh giá và xây dựng các tập đoàn ngoại vi của các các cây như lúa, chuối, sắn, khoai lang, từ vạc, khoai môn sọ cây rau, đậu, các cây ăn quả có múi và nhiều cây khác. Trong vòng 15 năm trở lại đây, Việt Nam đã nhập nội hàng vạn giống, dòng các loại cây trồng từ Trung Quốc, Đức, Úc, Hà Lan, Thái Lan, Hàn Quốc và từ các tổ chức Quốc tế khác như AVRDC, CIRAD, IRRI, CIP, ICRISAT...

Tuy nhiên do thiếu đội ngũ nhân viên kỹ thuật, do hạn chế về tài chính và thiếu phương pháp thích hợp, do thiếu thông tin về điều tra và thống kê tài nguyên di truyền thực vật, các kế hoạch đôi khi chưa thật sự tốt, có khi bị trùng lặp và một số hoạt động không đúng mục tiêu, chẳng hạn, đầu tư đã tập trung vào các giống nhập ngoại trong khi các giống địa phương, truyền thống và các vật liệu bị đe doạ lại chưa được quan tâm đúng mức.

Đã có những nỗ lực nhằm mở rộng các hoạt động bảo tồn ngoại vi, như việc phân công trách nhiệm cho nhiều cơ quan/tổ chức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và các cấp chính quyền địa phương. Hiên nay hệ thống bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật lương nông gồm có các đơn vị đầu mối sau: Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam bảo tồn quĩ gen cây nông nghiệp; Viện nghiên cứu Cao su bảo tồn nguồn gen cây cao su; Viện khoa học Lâm nghiệp bảo tồn nguồn gen cây rừng. Áp dụng phương pháp “Bảo tồn thông qua sử dụng”, khá nhiều các giống địa phương đã được phổ biến trở lại sản xuất cho nông dân bảo tồn và phát triển.

Ghi nhận tầm quan trọng của bảo tồn ngoại vi, trong soạn thảo kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 Nhà nước đã ưu tiên thu thập và thành lập các tập đoàn trong ống nghiệm, tập đoàn đồng ruộng và tập đoàn hạt của những nguồn gen cây trồng quan trọng, bao gồm cả việc xây dựng năng lực và nâng cấp cơ sở vật chất cho các tổ chức và cơ quan hữu quan./.

Nguyễn Văn Đĩnh