Bảo tồn hệ sinh thái tại Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

Với hệ sinh thái đa dạng và quý hiếm tại Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn những năm qua UBND tỉnh Quảng Nam tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái tại khu vực này, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác bảo tồn.

Khu di tích Mỹ Sơn đã được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hoá Thế giới vào ngày 1/12/1999. Trong đó, Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam với tổng diện tích bảo vệ cảnh quan là 1.160 ha, trong đó có hơn 1.100ha rừng tự nhiên, thuộc hai xã Duy Phú và Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Thông qua việc triển khai đề tài " Nghiên cứu, đề xuất, xây dựng mô hình ứng dụng giải pháp sinh thái, thủy lợi nhằm bảo tồn gắn với phát triển bền vững Khu di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam” Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình sinh thái thu được kết quả: Hệ sinh thái rừng Di sản văn hóa Mỹ Sơn có hệ động thực vật phong phú và đa dạng.

thanh-dia-1659839976.jpg
Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn được bao phủ bởi diện tích rừng, địa hình phức tạp dẫn đến hệ sinh thái đa dạng, phong phú

Quá trình khảo sát, điều tra và thu thập các mẫu vật tại khu nghiên cứu ghi nhận 3.535 loài động thực vật, trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, thuộc nhóm nguy cơ bị tuyệt chủng như Cu li lớn, Tê tê Zava, Mèo rừng, Cầy hương, Trút.

Tại khu vực suối Khe Thẻ có 43 loài cá, trong đó nhóm nghiên cứu tìm thấy 2 loài cá có quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam là cá Chình hoa, và cá Chình mun. Ngoài ra, có tổng số 43 loài lưỡng cư với loài cóc rừng nằm trong danh mục loài nguy cấp. Khu vực này ghi nhận 238 loài thực vật, thuộc 18 chi, 82 họ là những đơn vị cấu thành nên hệ thực vật Việt Nam.

Sự đa dạng của hệ động thực vật tại Khu bảo vệ cảnh quan di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn được tạo nên từ địa hình phức tạp, được hình thành bởi những dãy núi vòng cung bao bọc, có suối, núi, thung lũng sình lầy, đồng thời giáp với các hồ nước lớn như hồ Đồng Sơn, hồ Phước Bình, đập Thạch Bàn

Trong những năm qua nhằm bảo tồn hệ sinh thái tại Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp, trong đó viêc đẩy mạnh thực hiện các đề tài khoa học là cơ sở để thực hiện các chính sách bảo tồn.

Trong đó, đề tài quốc gia "Đa dạng sinh thái rừng đặc dụng Mỹ Sơn" với nhiều hạng mục công việc liên quan như kè sinh thái suối Khe Thẻ, tái tạo hàng chục ha rừng tự nhiên, nghiên cứu thủy văn suối Thẻ…; Xác lập Đề án rừng cảnh quan di tích Mỹ Sơn tiến tới việc giao đất, giao rừng, cắm mốc bảo vệ 1.158ha diện tích rừng tự nhiên Mỹ Sơn theo Quyết định 1915 của Thủ tướng chính phủ.

bao-ton-1-1659839976.jpg
Tỉnh Quảng Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo tồn hệ sinh thái, cảnh quan tại Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

Đề án Quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn giai đoạn 2008 - 2020 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2008; Kế hoạch Quản lý Khu Đền tháp Mỹ Sơn được tỉnh Quảng Nam thông qua năm 2019… đã góp phần rất lớn trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản Khu đền tháp Mỹ Sơn trong những năm qua.

Mới đây, Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và lực lượng chức năng tiến hành cắm mốc phân định ranh giới giữa khu vực bảo tồn và đất canh tác của người dân để ngăn chặn triệt để xâm lấn và bảo tồn. Trong 5 năm (2021-2025), Khu bảo vệ cảnh quan Di tích lịch sử văn hóa thế giới Mỹ Sơn được đầu tư gần 100 tỷ đồng để bảo vệ hệ sinh thái đa dạng và quý giá, nhằm góp phần phát triển sản phẩm du lịch, bảo tồn và khai thác có hiệu quả, bền vững di sản.

Ngoài việc phân giới cắm mốc, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn còn phối hợp với các trường học trên địa bàn thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về công tác bảo tồn và ngăn chặn tình trạng săn bắn, khai thác trái phép, góp phần bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn. Theo đó, địa phương này phối hợp với các đối tác Ấn Độ triển khai dự án Bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn" do Chính phủ Ấn Độ tài trợ.

Chính phủ Ấn Độ đã cử Cơ quan Khảo sát Khảo cổ Ấn Độ (ASI) trực tiếp tham gia cùng với Sở Văn hóa Thể thảo và Du lịch tỉnh Quảng Nam triển khai Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu đền tháp Mỹ Sơn với mục tiêu là bảo tồn, tôn tạo 3 Khu tháp A, H, K trong thời gian 5 năm (2017-2021), kinh phí tài trợ hơn 52 tỷ đồng.

Sau 5 năm thực hiện dự án đã hoàn thành cơ bản các nội dung chính, đảm bảo đúng các nguyên tắc về bảo tồn di tích. Những kết quả như hoàn thành trùng tu tháp K, khu H; lối tham quan và trưng bày hiện vật tại chỗ đưa vào phục vụ khách tham quan du lịch trong năm 2018, 2019. Các công trình thuộc khu A như tháp A8, A10, tường bao, hệ thống thoát đã hoàn thành…

Bên cạnh đó, dự án đã đào tạo được nhiều cán bộ kỹ thuật và gần 100 công nhân lành nghề. Trong quá trình tu bổ đã phát hiện 734 hiện vật các loại, trong đó có những hiện vật độc đáo của nền điêu khắc Chămpa, phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu lịch sử - văn hóa Chăm. Đặc biệt, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã phát hiện tại tháp A10 một đài thờ bằng đá sa thạch với Linga -Yoni liền khối còn nguyên vẹn. Đây là bộ Linga - Yoni liền khối lớn nhất của nền điêu khắc Chămpa được tìm thấy đến nay, hiện vật đã được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2021.