Báo chí hiện đại cần một đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp (Phần III)

Để làm tròn sứ mệnh vẻ vang mà cũng hết sức nặng nề của báo chí, phóng viên phải trang bị cho mình vốn tri thức phong phú và sâu sắc, phương pháp làm việc khoa học, phải biết tận dụng mọi cơ hội tích lũy điều kiện để thực hiện nhiệm vụ được xã hội phân công.
phong-vien-lam-gi-1655517419.jpg
Ảnh minh họa

Có được ý thức làm việc chuyên nghiệp, người phóng viên sẽ có khả năng nhận chân ra đâu là sự kiện nóng hổi nhất, ý nghĩa nhất, những sự kiện được xã hội quan tâm giữa muôn vàn sự kiện diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống luôn vận động phát triển không ngừng. Đưa tin, viết bài bình luận hay phản ánh là cả một quá trình phân tích, so sánh, đánh giá...

 Nắm chắc lý luận chung, biết xu thế chung, và hiểu thấu tình hình nhiều nơi, phóng viên mới có thể đánh giá đúng bản chất các sự kiện đang diễn ra để từ đó chọn lọc được cái có giá trị thời sự nóng hổi nhất, có ý nghĩa nhất. Ai cũng biết rằng, là phóng viên thì phải đi và viết, nhưng sự cần cù thường xuyên, sự say mê tìm hiểu, học hỏi và ý thức chuẩn bị chu đáo cho công việc chính là tiền đề đi tới thành công trong sáng tạo những tác phẩm báo chí có chất lượng.

Cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, phương thức hoạt động chủ yếu của phóng viên là phản ánh. Tức là phải “đằm” mình trong cuộc sống chiến đấu và lao động sản xuất của nhân dân, phải bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình, phát hiện đề tài, đồng thời thu thập các tài liệu cần thiết để sáng tạo nên các tác phẩm báo chí. Nhà báo Trường Chinh đã từng viết: “Ai ở mũi nhọn của phong trào quần chúng, trái tim đập một nhịp với trái tim của hàng triệu quần chúng, thở hút được không khí hăng say và sôi nổi của phong trào quần chúng, thì người ấy nắm bắt được những vấn đề trung tâm và nóng hổi của thời cuộc”.

Nhưng cố nhà báo Hữu Thọ cũng nhấn mạnh: “Một bài báo hay, ngoài tiêu chuẩn đề cập vấn đề mới, giải đáp đúng yêu cầu của quần chúng còn phải thể hiện một cách tập trung, có chủ đề rõ ràng, theo trật tự ý nghĩ, nhưng lại có những chỗ gây bất ngờ, hứng thú cho bạn đọc”. Khả năng chọn lọc phản ánh những vấn đề của hiện thực vào tác phẩm báo chí đạt đến mức độ hay, gây bất ngờ và tạo hứng thú cho người đọc thể hiện trình độ hiểu biết về nhiều mặt, thể hiện lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm, luôn suy nghĩ tìm tòi sáng tạo của người phóng viên.

Phương pháp làm việc khoa học, nghiêm túc, ý thức tự rèn luyện, tìm cách nâng cao chất lượng tác phẩm còn thể hiện trình độ nghiệp vụ, trình độ văn hóa, thái độ tôn trọng độc giả, và thể hiện khả năng làm việc chuyên nghiệp của người phóng viên. Lại có người nhận xét rằng: Người làm báo đối với bạn đọc như đôi bạn đồng hành, cùng nhau thủ thỉ bàn bạc để tìm ra đâu là phải, đâu là trái, chứ không phải là thày dạy học.

Quả thực, nếu không đi cơ sở, bám sát thực tế để hiểu cặn kẽ hiện thực cuộc sống thì không thể có lời lẽ đối thoại, tâm tình đủ sức thuyết phục người bạn của mình. Chẳng hạn xung quanh vấn đề xây dựng cơ bản hiện nay, ai cũng biết có nhiều cán bộ thoái hóa, tham ô, tham nhũng, cắt xén vật tư, làm thất thoát tiền của rất lớn. Nhưng nói về vấn đề này như thế nào để có thể thuyết phục, tạo nên giá trị tác động làm thay đổi hành vi?

Để đạt được mục đích đó không dễ. Bởi nếu không hiểu được thực trạng hoạt động xây dựng cơ bản của chúng ta hiện nay thì không thể hiểu đúng nguyên nhân dẫn đến tham ô tham nhũng, cắt xén vật tư. Từ nghiên cứu thực tế, chúng tôi nhận thấy, muốn nhận được công trình, phần lớn các nhà thầu phải chấp nhận tự ứng trước tiền vốn để thực hiện.

Họ phải vay vốn ngân hàng, hàng tháng phải trả lãi, rồi chờ ít nhất vài tháng sau mới có vốn rót về, thậm chí có công trình đã hoàn thành một năm vẫn chưa ứng đủ vốn, thế là người “trong sạch” nhất cũng phải bớt xén tiền đầu tư vào công trình tương ứng với tiền lãi phải trả ngân hàng cho số vốn đã vay để hoàn thành công trình. Không chỉ thế, còn rất nhiều hiện tượng tiêu cực khác: chủ thầu phải chiêu đãi người cấp vốn, người duyệt luận chứng, anh nghiệm thu... Qua mấy lần cửa ải, mỗi cửa ải lại một lần lót tay, những "phong bì phong bao" đó dĩ nhiên được rút từ tiền vốn xây dựng công trình.

Rồi người nhận thầu cũng bớt xén, bằng nhiều cách, cho riêng mình. Cuối cùng, số tiền bị cắt xén, bị thâm hụt không còn là nhỏ và con đường đi của cả đường dây tham ô tham nhũng cùng những bất hợp lý trong xây dựng đã được người quan sát nhận chân, nếu phóng viên cũng dày công tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng hiện tượng để có nhận thức đầy đủ như vậy chắc chắn vấn đề đưa vào bài báo sẽ được phân tích lý giải cặn kẽ, thấu tình đạt lý.

Làm được như vậy là nhà báo đã rèn luyện để nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động phản ánh, khắc phục được tình trạng chủ quan duy ý chí, phản ánh một chiều, như trong trường hợp cụ thể kể trên là đổ lỗi cho mấy chủ thầu xây dựng, bài báo sẽ không có sức thuyết phục đối với độc giả. Một thí dụ nhỏ như thế đủ thấy nghề làm báo không hề dễ dàng.

Phát hiện vấn đề - đề tài và thể hiện vấn đề - đề tài là một việc làm đũi hỏi tớnh chuyờn nghiệp cao. Hoạt động này yêu cầu mỗi nhà báo phải có sự say mê, lòng yêu nghề, năng lực phát hiện và trình độ sử dụng ngôn ngữ để thể hiện. Khả năng đó là thước đo trình độ văn hóa nền, thể hiện tinh thần trách nhiệm, ý thức sáng tạo và phương pháp làm việc khoa học, nghiêm túc, kịp thời khắc phục những sai sót cả nội dung và hình thức để nâng cao chất lượng tác phẩm.

Đây chính là yếu tố cơ bản làm nên thương hiệu và cũng chính là yếu tố thể hiện tính chuyên nghiêp của nhà báo. Nghề làm báo là nghề luôn luôn sáng tạo, bản thân sự kiện luôn thay đổi theo không gian, thời gian, hiện thực luôn sống động, tươi mới, nếu nhà báo không có tư duy sáng tạo chỉ có thể trở thành thợ viết báo chứ không thể trở thành nhà báo chuyên nghiệp theo đúng nghĩa./.

 

 

Nguyễn Văn Tông