Báo chí hiện đại cần một đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp (Phần II)

Đặc điểm quan trọng nhất của tính chuyên nghiệp là kiến thức chuyên môn. Chuyên gia được biết đến là qua kiến thức chuyên môn, hiểu theo nghĩa họ có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực hay một khía cạnh nào đó.
lam-sao-de-tro-thanh-phong-vien-1655517098.jpg
Ảnh minh họa

Vấn đề mấu chốt cần được giải quyết ở đây là: làm thế nào giúp phóng viên có được khả năng phát hiện vấn đề khi đi cơ sở để có bài phản ánh đúng hướng, đặc biệt là thể hiện tác phẩm báo chí như thế nào để nâng cao hiệu quả phản ánh. Đây là câu hỏi chưa được giải đáp một cách đầy đủ. 45 tiết học môn “Lao động nhà báo” trong chương trình đào tạo tại khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các tài liệu hiện có như Giáo trình nghiệp vụ báo chí tập I của Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), Cơ sở lý luận báo chí của GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Tác phẩm báo chí T1, T2 của PGS.TS Trần Thế Phiệt...

Tuy đã đề cập đến nhiệm vụ của phóng viên, các phương pháp khai thác tài liệu, cách thể hiện bài viết, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp cơ sở lý luận cơ bản, mang tính khái quát; Hơn nữa, nhiều tài liệu đã cũ (Giáo trình Nghiệp vụ báo chí tập I xuất bản năm 1978), không còn phù hợp với điều kiện hoạt động của phóng viên trong thời kỳ hội nhập, nền kinh tế thị trường và công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay.

Một số cuốn sách ít nhiều nói về kinh nghiệm thực tế của những nhà báo có tên tuổi: Hữu Thọ với Nghĩ về nghề báo, Công việc của người viết báo; Nguyễn Uyển với Báo chí - nghề nghiệt ngã;  Huỳnh Dũng Nhân với Ăn tết trong rừng chó sói; Vũ Bằng với Bốn mươi năm nói láo… cũng chỉ cung cấp một số kinh nghiệm sáng tạo tác phẩm báo chí cụ thể của cá nhân, chưa chắt lọc, khái quát thành lý luận.

Cũng cần phải nói thêm rằng, những bài học kinh nghiệm cho các phóng viên khác học tập là điều không đơn giản, bởi cuộc sống luôn vận động và phát triển rất đa dạng, kinh nghiệm xương máu của người này ít có giá trị với người khác và ngược lại. Hơn nữa, lao động của nhà báo là lao động sáng tạo, không thể rập khuôn máy móc, bắt chước nhau, bởi vậy, giá trị ứng dụng của những tài liệu này không nhiều.

Có thể nói các tài liệu hiện có chỉ dừng ở mức đưa ra một số đặc điểm chung về hoạt động sáng tạo của phóng viên và truyền đạt kinh nghiệm cá nhân, chưa bù đắp được sự thiếu hụt về lý luận và thực tiễn để giúp họ khắc phục những khó khăn, mau chóng nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí. Gần đây, xuất phát từ nhận thức tầm quan trọng của khả năng phát hiện vấn đề và khả năng tự biên tập tác phẩm báo chí, từ sự thiếu hụt về mặt lý luận và những khó khăn, thiếu sót của phóng viên, nhất là những phóng viên mới, khi thực hiện quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí, đã có một số công trình nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp khắc phục những nhược điểm đó ở phóng viên.

 “Nâng cao khả năng tự biên tập tác phẩm báo chí của nhà báo mới vào nghề” là một trong những đề tài đã được nghiên cứu thành công. Tác giả đề tài nghiên cứu đã khảo sát, tổng kết kinh nghiệm đi cơ sở, rút ra những bài học, những kinh nghiệm chung có giá trị ứng dụng cao đối với phóng viên, đặc biệt phóng viên mới vào nghề, đồng thời bổ khuyết những khoảng trống nho nhỏ về mặt lý luận khi đề cập đến lao động sáng tạo của phóng viên, góp phần giúp họ rút ngắn chặng đường rèn luyện, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động nghiệp vụ của nhà báo. 

Để sáng tạo một tác phẩm báo chí dù ngắn nhất là cái tin, hay “dài hơi” như những phóng sự, tường thuật, điều tra dài kỳ, bút ký, ký sự... người phóng viên phải trải qua một quá trình lao động vất vả. Nhà báo Hoàng Tùng khi đề cập đến quá trình hoạt động của phóng viên đã nhận xét: “Cái nghề của chúng ta là cái nghề đi, đọc, nghĩ, viết”.

Nhà báo Hữu Thọ bổ sung: “Bốn khâu đó gắn bó khăng khít với nhau. Đi là đắm mình trong cuộc sống sản xuất và chiến đấu và không phải bất cứ chuyến đi nào cũng mang ý nghĩa như vậy. Viết là thể hiện sự quan sát tại chỗ trong một chuyến đi trên nền tảng một quá trình lao động khá gian khổ để có vốn sống phong phú tích lũy trong các chuyến đi, có những kiến thức càng nhiều càng tốt, thu thập trong sách vở, báo chí và kết quả quá trình tư duy có đạo đức, có phương pháp”.

 Những nhận xét và luận giải của hai nhà báo lão thành Hoàng Tùng và Hữu Thọ đã chỉ ra cho chúng ta thấy quá trình hoạt động của người phóng viên. Thực chất cái sự “đi, đọc, nghĩ, viết” chính là 4 khâu cơ bản của quá trình sáng tạo đã được đúc kết, được cô đọng trong những tài liệu nghiệp vụ đã có. Người phóng viên giỏi, có khả năng làm việc mang tính chuyên nghiệp cao là người thực hiện nhuần nhuyễn những nhiệm vụ đó và có kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ đó một cách khoa học trong quá trình tác nghiệp.

Phản ánh là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Tuy nhiên, hiện thực khách quan vô cùng phong phú và sinh động. Từng ngày, từng giờ có biết bao nhiêu sự kiện xảy ra, người phóng viên cần biết lựa chọn sự kiện, hiện tượng có ý nghĩa xã hội để phản ánh. Báo chí với tư cách là một môn khoa học xã hội, là vũ khí đấu tranh bảo vệ quyền lợi của giai cấp, của dân tộc, vì vậy người phóng viên trước hết phải quan tâm phản ánh những hoạt động thực tiễn của con người trong xã hội.

Những hình thức hoạt động cơ bản trong thực tiễn của con người là hoạt động lao động sản xuất, đấu tranh chính trị và thực nghiệm khoa học. Song nếu chỉ dừng lại ở những đối tượng ấy thì báo chí không thể làm tròn chức năng thông tin, hướng dẫn dư luận xã hội của mình, hơn nữa cũng khó mà khu biệt báo chí với các môn khoa học xã hội khác.

Bởi vậy, cần phải xác định: đối tượng phản ánh của người phóng viên phải là thực tiễn đang diễn ra, những thực tiễn hôm nay - những thực tiễn chưa có câu trả lời, những thực tiễn đang chuyển động. Công việc này đòi hỏi người phóng viên phải có ham muốn tìm hiểu và đem hết nhiệt tình đi sâu vào thực tiễn, theo sát thực tiễn, sống trong cuộc sống lao động sản xuất, hòa mình trong cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ của xã hội, trong các hoạt động thực nghiệm khoa học, mới có thể nắm bắt, hiểu biết, phân tích, phản ánh nó một cách kịp thời, đầy đủ và chính xác. Sống xa rời hoạt động thực tiễn của con người trong xã hội thì không có cơ sở để hoạt động nghiệp vụ, không thể làm tốt nhiệm vụ phản ánh.

Khi phản ánh hiện thực khách quan, trước hết người phóng viên phải tôn trọng thực tế khách quan, phải trung thực trong việc phản ánh. Song trung thực ở đây không có nghĩa là phản ánh một cách “tự nhiên chủ nghĩa”, sự kiện như thế nào, “copy” đúng như vậy đưa vào tác phẩm, không có sự chọn lọc, phân tích, bình xét của tác giả đối với sự kiện.

 Sự phản ánh của phóng viên phải có mục đích rõ ràng, phải tỏ rõ thái độ, lập trường của chính mình: đồng tình hay phản đối, khuyến khích hay ngăn chặn... Nói cách khác, người phóng viên phải dùng lăng kính chủ quan để “lọc” hiện thực, đây được hiểu là những tri thức hiểu biết về tự nhiên, xã hội và con người, về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và xu hướng phát triển của quy luật để soi rọi vào sự kiện, hiện tượng, phân tích, đánh giá và giải thích nó. Và hơn hết, người phóng viên phải biết thể hiện tất cả những hiểu biết về sự việc, hiện tượng ấy, tất cả những phân tích đánh giá ấy một cách chính xác, rõ ràng, dễ hiểu, mang nét riêng độc đáo, sáng tạo.

 Nét độc đáo, sáng tạo thường được tạo nên bởi khả năng sử dụng ngôn ngữ và cách diễn đạt. Khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt và cách diễn đạt độc đáo, nhất là khi tạo nên được những lệch chuẩn, mang lại giá trị biểu cảm cao cho tác phẩm báo chí, thể hiện tài năng, bản lĩnh và sự rèn luyện của nhà báo. Tuy nhiên, “chỉ có những khối óc được chuẩn bị mới làm ra những phát minh tình cờ”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ phản ánh, người phóng viên phải luôn chủ động và sáng tạo, tuyệt đối không thụ động ngồi chờ sự kiện xảy ra rồi mới tìm hiểu để phản ánh, hoặc chờ sự chỉ đạo, chỉ dẫn của cấp trên. Người phóng viên biết làm việc chuyên nghiệp phải năng động, nhạy bén, chủ động tìm tòi, phát hiện sự kiện, chọn lọc và phản ánh hiện thực có định hướng. Một bài báo có giá trị bao giờ cũng là một tác phẩm đã được phóng viên dày công chuẩn bị, tìm tòi, lựa chọn, tìm cách thể hiện để đạt mục đích đã được định trước, không bao giờ là sự ngẫu nhiên.

Nhiệm vụ của người làm báo hết sức nặng nề. Nghị quyết số 5 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (19/1/1961) đã chỉ rõ: “Báo chí phải giải thích và giải đáp một cách sâu sắc, đúng đắn cho quần chúng về những vấn đề nóng hổi, những vấn đề cơ bản của cuộc sống, của đấu tranh và sản xuất”. Người làm báo không chỉ đơn thuần đưa tin, viết bài, chụp ảnh phản ánh sự kiện mà phải đánh giá, chỉ rõ bản chất, xu hướng vận động của sự kiện, trên cơ sở đó tạo ra giá trị định hướng dư luận xã hội./.

 

Nguyễn Văn Tông