Giữ gìn bản sắc của dân tộc thiểu số
Với 11 huyện miền núi, tỉnh Thanh Hóa được xem như là ngôi nhà chung của 7 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc mang đến một màu sắc văn hóa riêng, cùng nhau tạo nên một bức tranh đa dạng và phong phú.
Một trong những giá trị văn hóa đặc trưng nhất của đồng bào dân tộc thiểu số xứ Thanh là các lễ hội truyền thống như Lễ hội Cầu Mưa của dân tộc Thái, Lễ hội Gội Đầu của dân tộc Mường, hay Lễ hội Kín sết Boọc Mạy của người Thái… Những lễ hội này ngoài việc để người dân thể hiện sự tôn kính với thiên nhiên, còn là dịp để cộng đồng gặp gỡ, giao lưu và gắn kết.
Ngoài ra, xứ Thanh còn là kho tàng của những điệu múa xòe, múa sạp của người Thái, điệu cồng chiêng của người Mường… với những trò chơi dân gian thể hiện tinh thần gắn kết, yêu chuộng hòa bình, cùng nhau xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc.
Để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về văn hóa. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg, ngày 17/11/2008 lấy ngày 19/4 hằng năm làm “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh càng được chú trọng triển khai.
Đặc biệt là Đề án “Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030". Đề án được ví như là điểm tựa vững chắc cho những nét đẹp truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số cất cánh.
Theo đó, Đề án sẽ tập trung Bảo tồn và phát huy, phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về phát triển giữ các vùng miền trong toàn tỉnh.
Sau khi Đề án được triển khai, một số trường học ở khu vực miền núi xứ Thanh đã đưa tiếng Thái vào trường học, và trở thành môn học tự chọn. Điển hình như trường THP Thông Quan Sơn, ngoài việc học kiến thức, các em học sinh ở đây đã được tiếp cận với những nét đẹp của văn hóa bản địa.
Hay như lớp dạy chữ Thái miễn phí cho trẻ em vùng cao của ông Cao Bằng Nghĩa, nguyên cán bộ hưu trí của huyện Quan Hóa. Tại đây, ngoài được học chữ viết của người Thái cổ, các cháu còn được nghiên cứu, tìm hiểu những phong tục tập quán cổ xưa của đồng bào mình.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, một số xã vùng cao cũng tổ chức dạy và học chữ Thái cho những cán bộ chủ chốt. Đây là việc làm không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, mà nó còn có ý nghĩa quan trọng việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với người dân một cách thuận lợi.
Song song với đó, các hoạt động văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số cũng được tỉnh Thanh Hóa quan tâm khôi phục và phát triển như khôi phục lại những điệu hát khặp của người Thái, hát đúm của người Mường… Đặc biệt, trong 2023 Lễ Hội sết boóc mạy của người Thái xã Cán Khê, huyện Như Thanh và Lễ hội Mường Khô ở huyện Bá Thược vinh dự được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Văn hóa dân tộc trong thực hiện mục tiêu Quốc gia
Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân và thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển.
Đặc biệt, nhiều huyện vùng cao đã chủ động dành một phần ngân sách địa phương để hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP mang đậm đà bản sắc văn hóa vùng miền. Nhờ đó, đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho các địa phương trong quá trình hoàn thành các tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn NTM.
Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế về đa sắc màu về văn hóa, với những nét đẹp hoang sơ của núi rừng, xứ Thanh đang nỗ lực thực hiện hiệu quả chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị.
Trong đó, tập trung phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; phát huy giá trị các di tích văn hóa-lịch sử, danh lam thắng cảnh; góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân, đồng thời thay đổi nhận thức về sinh kế để giảm nghèo bền vững.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng các dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi xứ Thanh trong thực hiện mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 68 xã và 691 thôn, bản tại miền núi đạt chuẩn NTM; 8 xã đã vươn lên đạt chuẩn NTM nâng cao, và 1 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Ghi nhận thực tế tại huyện Như Xuân, nơi sinh sống của 4 dân tộc anh em mới cảm nhận hết sức mạnh khi khối đại đoàn kết dân tộc được gắn bó. Những năm qua, công tác xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tại huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Người dân không chỉ tích cực tham gia xây dựng các công trình phúc lợi mà còn chủ động giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: “Xác định XDNTM gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy Như Xuân đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân.
Ngoài ra, tại các thôn, bản cũng xây dựng quy ước, hương ước quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, gia đình trong thực hiện các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, khu dân cư văn hóa; vận động Nhân dân đóng góp tiền của, công sức và hiến đất để xây dựng các công trình giao thông liên thôn, tường rào hoa, nhà văn hóa, khu thể thao, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Nhờ những nỗ lực không ngừng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, Thanh Hóa không chỉ xây dựng được những ngôi làng quê giàu bản sắc mà còn tạo dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của địa phương. Đây là khâu then chốt để thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới ở các bản vùng cao./.