Theo đó, Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm của người Chăm với 5 nội dung sau đây:
1. Tổ chức các hoạt động bảo vệ khẩn cấp đối với di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm như: Hỗ trợ, khuyến khích nghệ nhân, cộng đồng truyền dạy tri thức, kỹ thuật, kỹ năng làm gốm, đặc biệt cho thế hệ trẻ. Xây dựng phương án quy hoạch, mở rộng nguồn nguyên liệu và bảo tồn các làng gốm; huy động các nguồn vốn để bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
2. Tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế mẫu mã mới trên cơ sở các giá trị di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm; mở rộng thị trường tiêu thụ gốm để nâng cao đời sống của cộng đồng.
3. Tiếp tục công tác kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm; xây dựng cơ sở dữ liệu để giới thiệu, quảng bá gốm Chăm. Xây dựng và phát triển bảo tàng gốm Chăm của cộng đồng, tổ chức trưng bày, trình diễn về nghề làm gốm trong bảo tàng của cộng đồng và bảo tàng cấp tỉnh.
4. Tiếp tục đề xuất phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú cho những người thực hành có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm; tôn vinh, khen thưởng các thợ làm gốm, cá nhân có nhiều đóng góp bảo vệ di sản.
5. Hỗ trợ cộng đồng phục hồi những lễ hội, nghi lễ liên quan đến nghề làm gốm của người Chăm; xuất bản những công trình nghiên cứu về nghề gốm của người Chăm nhằm phổ biến tri thức và sự hiểu biết về gốm của người Chăm. Phối hợp với các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương, các cơ quan chuyên môn, viện nghiên cứu tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm dưới nhiều hình thức tới công chúng trong và ngoài nước. Tổ chức định kỳ liên hoan nghệ thuật làm gốm của người Chăm nhân dịp lễ hội Katê; phát triển hình thức du lịch di sản văn hoá.
Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Hiện nay, người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận còn duy trì nghề thủ công làm gốm truyền thống tại làng gốm Bàu Trúc, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận và làng gốm Bình Đức, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Sản phẩm gốm Chăm được sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng cũng như làm quà tặng, trang trí các công trình nghệ thuật. Nghề làm gốm của người Chăm không chỉ đơn thuần là kỹ thuật sản xuất, tạo ra sản phẩm cụ thể mà ở đó hội tụ, chứa đựng rất nhiều bí quyết, kỹ năng, kinh nghiệm được trao truyền từ đời này qua đời khác tạo thành một nghệ thuật đó là “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”.
“Với những giá trị được ghi nhận từ nghệ thuật làm gốm của người Chăm, ngày 29/11/2022, tổ chức UNESCO đã chính thức ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Sự kiện này đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công bố là 1 trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu trong năm 2022. Việc tổ chức đón Bằng của UNESCO sẽ tạo sự lan tỏa đến nhân dân, du khách nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cấp, các ngành, địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”, ông Trần Quốc Nam chia sẻ thêm.
Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo, hướng dẫn và đồng hành cùng cộng đồng và các cơ quan, ban ngành của tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, 2 địa phương có di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm, thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia này; đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận bố trí nguồn lực xây dựng và tổ chức thực hiện đề án chi tiết, cụ thể hóa những nội dung của chương trình hành động quốc gia để từng bước giúp cộng đồng tiếp tục thực hành, trao truyền và phát triển nghệ thuật làm gốm của người Chăm, tăng cường sức sống cho di sản.