Bài học quản lý pin xe điện hết thời hạn sử dụng ở Nhật Bản và kinh nghiệm cho Việt Nam

Mỗi năm Nhật Bản thải ra 5000 xe điện hết vòng đời, do chưa có quy định quản lý nên việc chôn lấp trái phép diễn ra với số lượng lớn. Đến năm 2005, Luật Tái chế các loại xe điện thải loại ra đời, giúp giảm số lượng chôn lấp mỗi năm.
p-1699277964.png
Hệ thống thu hồi và tái chế pin xe điện tại Nhật Bản

Trước kia, mỗi năm Nhật Bản thải ra 5.000 xe điện hết vòng đời. Tuy nhiên, vì chưa có quy định quản lý nên việc chôn lấp trái phép diễn ra với số lượng lớn, hơn 22 nghìn chiếc một năm. Đến năm 2005, Luật Tái chế các loại xe điện thải loại ra đời, xác định rõ trách nhiệm xử lý EV thải loại và chia sẻ chi phí xử lý của các bên liên quan đã giúp giảm số lượng chôn lấp trái phép xuống chỉ còn hơn 500 xe mỗi năm.

Đạo luật này quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình quản lý xe ô tô thải loại, bao gồm người sử dụng (sở hữu) xe, nhà sản xuất, các tổ chức liên quan đến tái chế xe và cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể: Người sử dụng có trách nhiệm trả chi phí tái chế (phí này được ký quỹ ngay khi đăng ký xe) và giao xe thải loại cho đơn vị thu gom. Các tổ chức liên quan đến tái chế xe có trách nhiệm thu hồi xe, kiểm tra việc ký quỹ với cơ quan quản lý quỹ, tháo dỡ và giao bình ga của điều hoà cho nhà điều hành thu hồi fluorocacbon. Nhà điều hành sẽ giao fluorocacbon được thu hồi cho nhà sản xuất xe. Đơn vị tháo dỡ có trách nhiệm tháo dỡ các xe theo tiêu chuẩn, thu hồi túi khí giao cho nhà sản xuất xe. Các phần còn lại được giao cho đơn vị nghiền và phân loại. Sau khi được nghiền và phân loại, các sản phẩm đầu ra được giao trở lại cho nhà sản xuất xe.

Nhà sản xuất/nhập khẩu xe có trách nhiệm thu gom và tái chế fluorocacbon, túi khí và các sản phẩm đầu ra của quá trình nghiền và phân loại, đồng thời có trách nhiệm cung cấp thông tin cần thiết cho việc tái chế xe. Cơ quan quản lý có trách nhiệm hướng dẫn nhà chế tạo, cấp chứng nhận cho các cơ sở tái chế. Ngoài ra, các cơ quan quản lý tại địa phương có trách nhiệm quản lý việc đăng ký của cơ sở thu gom xe, cấp phép cho các nhà điều hành thu hồi fluorocacbon và xử phạt đơn vị vi phạm.

Cho đến những năm gần đây, khi xe điện phát triển mạnh đã xuất hiện một số vụ tai nạn liên quan đến xử lý không đúng pin xe điện thải loại. Do đó năm 2018, ở Nhật Bản đã xuất hiện hệ thống thu gom và xử lý pin xe điện để tránh chôn lấp trái phép và xử lý sau vòng đời không theo tiêu chuẩn.

Hệ thống này được vận hành bởi Hiệp hội Tái chế ô tô Nhật Bản (Japan Auto Recycling Partnership - JARP). Hiệp hội thiết lập cầu nối giữa nhà chế tạo, tổ chức tái chế ô tô và chính phủ. Sau khi nhận được yêu cầu thu gom pin xe điện từ đơn vị tháo dỡ ô tô, JARP chuyển yêu cầu thu gom cho đơn vị vận tải.

Đơn vị vận tải có trách nhiệm thu gom pin xe điện và chuyển đến đơn vị tái chế. Sau khi nhận được báo cáo hoàn thành công việc của hai đơn vị này, JARP có trách nhiệm trả phí cho họ. JARP cũng báo cáo việc hoàn thiện tái chế và nhận phí tái chế từ nhà sản xuất xe ô tô. JARP nhận được uỷ quyền của chính phủ, có trách nhiệm báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý đồng thời chịu trách nhiệm quản lý các nhà thầu phụ về vận chuyển và tái chế.

Với xấp xỉ 6000 pin một năm, Nhật Bản đang sử dụng công nghệ lò điện và lò gas, với tỷ lệ tái chế đạt 65%. Tỷ lệ tái chế được tính bằng khối lượng vật liệu có giá trị và có thể bán sau tái chế trên tổng khối lượng pin đưa vào tái chế.

Ngành công nghiệp xe điện và pin xe điện tại Việt Nam đang bắt đầu phát triển với nhiều dư địa. Với tuổi thọ trung bình của pin xe điện hiện nay, trong thời gian 5-10 năm tới Việt Nam cũng cần nghiên cứu xây dựng quy định mang tính pháp lý để quản lý pin xe điện sau vòng đời dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản và các quốc gia khác trên thế giới nhằm bảo vệ môi trường, tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất chung tay phát triển ngành công nghiệp xe điện và pin xe điện một cách bền vững./.

TS. Triệu Việt Phương